EVN ra mắt dịch vụ điện thoại cố định không dây từ ngày 1/9
Thứ hai, 8/8/2005 | 00:00 GMT+7
Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ ra mắt dịch vụ điện thoại cố định không dây (E-com) sớm hơn dự kiến. Riêng mạng di động 096, EVN sẽ một lần nữa lỗi hẹn với người tiêu dùng.
Dịch vụ điện thoại cố định không dây được EVN triển khai từ tháng 8 năm ngoái tại 5 tỉnh thành Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Tp.HCM và Đồng Nai. Với dịch vụ E-com, khách hàng có thể nối trực tiếp vào máy tính để truy cập Internet. Theo nhà cung cấp, mức cước tương đương với điện thoại cố định mà VNPT đang cung cấp: Thuê bao là 27.000 đồng/tháng và phí cuộc gọi là 120 đồng/phút.
Cũng trong tháng 9, nhà cung cấp này sẽ triển khai dịch vụ truy cập Internet không dây, thử nghiệm dịch vụ truyền dữ liệu EVDO- CDMA-2000-1x tại khu vực Tp.HCM sau đó mở rộng ra phạm vi toàn quốc.
Nhằm tạo điều kiện cho EVN hợp thức hóa các thủ tục pháp lý sớm triển khai dịch vụ viễn thông, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn chính thức cho phép EVN được kinh doanh các dịch vụ viễn thông công cộng và Internet. Đồng thời yêu cầu đơn vị này thực hiện thủ tục đăng ký và tổ chức kinh doanh các dịch vụ theo đúng Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông.
Trong khi các dịch vụ khác đã được nhà cung cấp này sẵn sàng cho việc ra mắt thì đến thời điểm này các động thái triển khai mạng di động 096 của EVN vẫn là một ẩn số và khách hàng thêm 1 lần nữa phải chờ đợi.
Lý giải về sự chậm trễ này, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, trong bối cảnh thị trường viễn thông đang cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, là doanh nghiệp mới, EVN phải tính toán cân đối mọi nguồn thu chi và tìm cho mình một chiến lược kinh doanh phù hợp. "Khi cảm thấy chắc thắng có doanh thu và đảm bảo được chất lượng cho khách hàng chúng tôi mới công bố sản phẩm", ông Tri nói.
Ông Tri cho biết, các mạng khác như Viettel, S-Fone sau khi được cấp phép phải mất 5-6 năm họ mới triển khai được. Còn VP Telecom ngày 7/12/2004 mới chính thức được cấp giấy phép, tháng 3/2005 được cấp tần số và nếu đầu năm 2006 ra mắt thì đây vẫn được coi là tốc độ kỷ lục.
Theo ông, yếu tố quan trọng giúp các mạng có thể cạnh tranh được với nhau là vùng phủ sóng rộng, giá cước rẻ và những chế độ hậu mãi. "EVN đã thấm nhuần bài học về vùng phủ sóng mà S-Fone thất bại trước đây, do vậy, chúng tôi đang tiến hành thương lượng kết nối với các mạng khác và cố gắng đẩy nhanh việc mở rộng vùng phủ sóng ra hầu hết các tỉnh trên toàn quốc", ông Tri cho biết.
Về giá cước, ông Tri cho biết, hiện nay, EVN đầu tư cơ sở hạ tầng trên mạng cáp quang với giá rẻ, chưa kể họ còn được sử dụng miễn phí cột phát của ngành công an, quân đội, nên sắp tới, giá cước cũng như cách tính theo block sẽ ở mức cạnh tranh hơn so với các mạng khác. Đồng thời, nhằm nhanh chóng phát triển mạng di động, EVN đã quyết định đầu tư 3.184 tỷ đồng để phủ sóng cả nước.
Ông Tri cho biết, công nghệ CDMA sử dụng băng tần rộng 450 MHz có thể triển khai nhiều dịch vụ giá trị gia tăng như dịch vụ dữ liệu, fax, Internet, đặc biệt là dịch vụ định vị. Mạng CDMA cho phép quản lý số lượng thuê bao gấp 5-20 lần, đồng thời giảm đáng kể số cuộc gọi lỗi so với mạng GSM. Loại dịch vụ này chủ yếu dành cho giới trẻ có nhu cầu sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng như nhắn tin đa phương tiện, tải hình, tải chuông hay dịch vụ định vị cá nhân.
Dịch vụ E-com có tốc độ đường truyền 128 Kbps cho phép khách hàng sử dụng hiệu quả các dịch vụ giá trị gia tăng như tải hình ảnh, chuông nhạc đa âm sắc, kết nối Internet. Khách hàng có thể di chuyển máy từ vị trí này đến vị trí khác và có thể kết nối trực tiếp vào máy tính để truy cập Internet.
E-com cho phép khách hàng lựa chọn 1 trong 2 loại máy với các mức giá khác nhau. Loại 1 giống như của S-Fone không cần SimCard và có thể chọn số thuê bao theo ý muốn. Loại 2 giống như mạng CityPhone có sử dụng SimCard.
Theo VnExpress - 04/08/2005