Tin tức

Neo giữ dòng sông.

Thứ hai, 15/4/2013 | 00:00 GMT+7
Miền Trung gió cát đang vào mùa khô hạn. Cái nắng khô rang đến sém lá bàng, đến cong tàu chuối, oằn cả tán dừa trong hầm hập nóng.

Thủy điện Sông Hinh. Ảnh minh họa.

Năm nay nơi nào cũng nóng, như “chia lửa” với vùng đất cong cong hình quai nón nếu nhìn lên bản đồ. Nắng nóng là vậy mà ở vùng đất xứ nẫu này có một “đặc sản” của mùa hè là gió. Gió dọc ngang tung hoành ào ạt, ràn rạt thổi khô se.

Người dân xứ miền Trung có lẽ đã quen, đã thương những mùa gió nóng hầm hập trong bầu trời xanh ngăn ngắt. Những ngôi nhà sàn ban trưa lặng lẽ như muốn tựa vào nhau tránh nắng. Nắng xối xả đổ trên tán cây, con đường đi vào các nhà máy thủy điện vắng hoe không bóng người dân đi đường. Bên sườn núi là những gộp đá lô nhô nóng rãy bên dòng suối cạn với bụi đỏ và gió ào ạt đi qua như những bầy ngựa hoang. Vùng đất xứ nẫu như đang đón đợi những đợt mưa để làm dịu đi cảm giác khô khốc và để rũ sạch bụi bặm trong một mùa gió...

* Chắt kiệt giọt phù sa

Sông Ba còn gọi là sông Đà Rằng (theo tiếng Chăm cổ tức là con sông lau sậy) được bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Linh ở độ cao hơn 1.500m, phía tây bắc tỉnh Kon Tum rồi xuôi dần về phía nam, qua địa phận các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên trước khi ra biển. Đây là con sông lớn nhất miền Trung có lưu vực rộng tới 13.000km². Càng về hạ lưu lòng sông càng trải ra mênh mông với ba phụ lưu tiếp thêm nước là sông Ayun (thị xã Ayun Pa), Krông Năng (huyện Krông Pa) và sông Hinh (huyện Sông Hinh).

Trên dòng sông Ba, có nhiều công trình quốc kế dân sinh tầm vóc. Năm 1924, người Pháp khởi công xây dựng đập Đồng Cam với một hệ thống thủy lợi tự chảy, cung cấp nước tưới cho cánh đồng lúa và cây trồng hạ lưu khoảng 25.000ha. Bảy mươi năm sau (năm 1994), một nhánh khác của sông Ba thêm một lần oằn mình gập dòng lại để tạo nên công trình thủy lợi Ayun Hạ tưới cho cánh đồng rộng nhất Tây Nguyên 13.500ha. Hai vựa lúa lớn khu vực miền Trung và Tây Nguyên đều hưởng nước và cả phù sa màu mỡ từ sông Ba, mang lại cuộc sống ấm no và điều quan trọng là đã hình thành tập quán làm lúa nước như người Kinh cho hàng vạn hộ đồng bào các dân tộc thiểu số Mơ nâm, Bahnar, Jrai, Êđê, Chăm. Trên dòng sông Ba, từ thời thuộc Pháp, người Pháp xây dựng cầu sông Ba (An Khê) trên quốc lộ 19, cầu Lệ Bắc ở Ajunpa (liên tỉnh lộ 7 - nay là quốc lộ 25), cầu Đà Rằng trên quốc lộ 1A - cây cầu dài nhất miền Nam trước năm 2000. Đến nay, riêng địa phận Phú Yên đã có bốn cây cầu bắt qua dòng sông này.

Trong một thập niên đầu của thế kỷ XXI, sông Ba lại tiếp tục làm nên những kỳ tích mới, đó là sự ra đời các công trình thủy điện. Sông Ba Hạ trên địa phận tỉnh Phú Yên gồm hai tổ máy tổng công suất 220 MW, tổng sản lượng điện 825 triệu KWh/năm. Thủy điện An Khê - Ka Nak trên địa phận tỉnh Gia Lai gồm hai công trình: An Khê 160 MW, Ka Nak 13 MW. Chưa kể công trình thủy điện Ayun Hạ 2.700 KW đã đưa vào hoạt động từ lâu và công trình trên phụ lưu sông Ba là thủy điện Ayun Thượng... Vì vậy, người dân lưu vực sông Ba nghèo khó là chuyện của quá khứ. Bây giờ, bên sông suốt một quãng đường dài hàng trăm cây đã xuất hiện rất nhiều buôn làng trù phú số. Buôn làng nào cũng rợp đỏ mái ngói với hàng trăm ngôi nhà xây, nhà lầu, cả những ngôi nhà sàn truyền thống cũng cách điệu kiên cố. Nhiều nhà có cả ô tô. Tất cả đều nhờ vào nguồn nước tưới tiêu từ các hồ thủy điện nên thu hoạch từ mía, mì, lúa, thuốc lá, chăn nuôi bò… ổn định.

Một nhà nghiên cứu lịch sử Phú Yên luận rằng: Sông Ba chắt kiệt những giọt phù sa trải rộng màu xanh đôi bờ châu thổ để Tuy Hòa được mệnh danh là “vựa lúa miền Trung” - một giá trị mãi mãi không phai nhòa của nền văn minh nông nghiệp và vẫn còn lưu giữ giá trị hiện thực ấy trong chiến lược an ninh lương thực của thời kỳ công nghiệp hóa…

Mặc dù đến cuối năm 2012, nước về hồ thủy điện Sông Hinh chỉ đạt 206,62m, thấp hơn so với mực nước dâng bình thường 2,38m tương ứng với lượng nước tồn 234 triệu m3, đạt 72% dung tích hữu ích nhưng trong 3 tháng đầu năm nay lưu lượng mà nhà máy điện Sông Hinh cũng đã bổ sung cho đập thủy lợi Đồng Cam (Tỉnh Phú Yên) trung bình khoảng 45m3/s; lưu lượng mà Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn cũng đã bổ sung cho hồ thủy lợi Định Bình (tỉnh Bình Định) trung bình khoảng 4m3/s, mặc dù đến thời điểm hiện nay, mực nước tại hồ A thủy điện Vĩnh Sơn chỉ cách mực nước chết 5,5m; hồ B và C chỉ còn 0,3m. Tương ứng với tổng lượng nước còn lại trong 3 hồ là 14 triệu m3 (trong khi đó dung tích hồ chứa là 135 triệu m3); lưu lượng từ Nhà máy thủy điện Kanak- An Khê bổ sung nước cho lưu vực Sông Côn từ 17- 25m3/s.

Nhờ có các hồ thủy điện và đặc biệt là các công trình thủy lợi thu giữ nguồn nước từ sản xuất điện nên mặc dù đang mùa khô hạn nhưng mía từ Kbang, qua An Khê, La Pa, xuống đến tận Krông Pa, rồi Sơn Hòa, Sông Hinh một màu xanh bạt ngàn. Và những cánh đồng lúa, mì vẫn hối hả chạy đuổi theo như muốn neo giữ dòng sông.

* Những việc như thế là ý thức cộng đồng

Tôi trở lại Vĩnh Thạnh sau hai chục năm. Hai chục năm, một khoảng thời gian không ít để nhận biết sự thay đổi lớn lao ở một vùng đất, nhất là sự so sánh giữa hiện tại với quá khứ một cách dễ dàng nếu đó là một vùng đất công nghiệp. Nhưng với Vĩnh Thạnh, một huyện miền núi, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng còn hạn chế nếu nhìn hời hợt bên ngoài thật khó thấy gì. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Vĩnh Thạnh đã ư tiên nguồn kinh phí cho các công trình trọng điểm như đường giao thông khu vực thị trấn và các xã, cầu treo Đăk Miên và các công trình phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân. Vụ Thu và vụ Mùa năm nay, đối với diện tích lúa nằm trong vùng không có nước tưới, huyện triển khai hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo 100% kinh phí để mua giống cây trồng cạn theo định mức và mức 50% đối với các hộ còn lại.

Trở lại Vĩnh Thạnh lần này thêm một sự khẳng định, các thế hệ những người lãnh đạo của huyện đã đặt quyết tâm để làm nên bộ mặt nông thôn mới bằng những bước đi cụ thể. Bước đi ấy ở một huyện thuần nông mấu chốt vẫn là cơ cấu mùa vụ; chuyển đổi cây trồng để tăng sản lượng lương thực.

Khác trong Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định), nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa hai vùng cao nguyên và đồng bằng, huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) được thiên nhiên ưu đãi một vùng đất đai và khí hậu thích hợp cho sản xuất các loại cây nông sản. Đã từ lâu Sông Hinh được biết đến là vùng trồng mía, bắp, sắn trọng điểm của Phú Yên. Với diện tích canh tác gần 10.000ha, các loại cây mía, bắp và sắn không chỉ giúp người dân địa phương ổn định cuộc sống, mà còn là một trong những nguồn thu nhập chính của cư dân vùng đất này.

Những năm gần đây, vùng đất đỏ bazan ở phía tây Sông Hinh còn được tỉnh Phú Yên thử nghiệm một loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao và đã mang lại kết quả khả quan. Năm 2001, cây cao su được trồng thử nghiệm trên vùng đất này và được đánh giá “không thua kém” các vùng Đông Nam Bộ. Là địa phương có nhiều sông, đập, ao hồ; Sông Hinh cũng đang có lợi thế về việc nuôi thủy sản nước ngọt, nhất là cá. Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã đầu tư nuôi cá nước ngọt với tổng diện tích hàng chục hécta mặt nước ao hồ.

Địa hình cao với những con sông lớn quanh năm không bao giờ cạn, đã tạo cho vùng cao này một tiềm năng hơn hẳn các huyện miền núi khác ở Phú Yên. Sông Hinh có 3 con sông lớn bao quanh và cả ba con sông này đều có khả năng xây dựng các công trình thủy điện. Các nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Sông Ba Hạ và Krông H” Năng đi vào hoạt động ổn định đã mở ra những cảnh quan nhân tạo nhưng đậm nét hoang sơ hùng vĩ ở vùng đất phía tây Phú Yên. Sự ra đời của các nhà máy thủy điện với các hồ chứa nước nhân tạo giữa núi rừng, giữa các buôn làng với diện tích 4.100ha mặt nước, 250ha các đảo lớn nhỏ cùng hệ thống sông, suối, cây rừng và nhiều buôn, làng bao bọc xung quanh như neo giữ dòng sông vào mùa khô hạn.

Với hệ thống giao thông thuận lợi và nguồn tài nguyên đất đai phong phú, thích hợp cho nhiều loại hình canh tác nông nghiệp, lại nằm giữa vùng tam giác thủy điện Sông Hinh - Sông Ba Hạ - Krông H’Năng, tất cả những điều đó đã mở ra một tiềm năng phát triển về kinh tế cho vùng đất này.

Diễn biến thời tiết bất thường, hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra nặng nề ở các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên; các địa phương cũng đã nỗ lực, tích cực triển khai các giải pháp chống hạn nhưng do lượng dòng chảy trên các sông liên tục thiếu hụt, dự báo tình trạng này có thể còn gay gắt hơn, rộng hơn ở Trung Bộ và Tây Nguyên, vì vậy, trung tuần tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp “Bàn biện pháp chống hạn, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên”, theo đó, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương tính toán cân đối nguồn nước hiện có để bảo đảm cấp nước cho các nhu cầu thiết yếu và cho sản xuất. Điều này cho thấy, vì quyền lợi người nông dân, các Nhà máy thủy điện đã đưa nhiệm vụ phát điện vốn là ưu tiên hàng đầu xuống thứ yếu.

Vâng, nông thôn, nông nghiệp, nông dân là những việc như thế và suy cho cùng, xây dựng nông thôn mới cũng bắt đầu từ ý thức cộng đồng, sống cho nhau, vì nhau.

home.evn.com.vn