Tin tức

VN30 – “Cú hích” của chứng khoán Việt.

Thứ ba, 7/2/2012 | 14:28 GMT+7
Kể từ ngày mai (6/2), Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) sẽ chính thức áp dụng chỉ số VN30 - là chỉ số đại diện cho 30 cổ phiếu có vốn hóa và tính thanh khoản tốt nhất thị trường. Đây được xem là “cú hích” thúc đẩy chỉ số sau một thời gian dài èo uột.

VN30 –hội tụnhững cổ phiếu “đình đám” trên thị trường

Thời gian vừa qua trên các diễn đàn, thậm chí tại các sàn giao dịch chứng khoán đã liên tục đưa ra những bàn luận xung quanh các thông tin về chỉ số VN30. Bởi đây là chỉ số đại diện cho 30 cổ phiếu có vốn hóa và tính thanh khoản tốt nhất thị trường, đặc biệt hơn nó lại là những doanh nghiệp “đình đám”, được nhiều người biết đến. Ngoài ra, Hose cũng đưa ra 10 cổ phiếu nằm trong danh sách dự phòng.

Theo thông tin từ HOSE, 30 cổ phiếu này chiếm khoảng 80% giá trị vốn hóa toàn thị trường và 60% giá trị giao dịch toàn thị trường. Phương pháp tính giá trị vốn hóa sẽ được điều chỉnh theo hệ số free float (số cổ phiếu tự do giao dịch trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành) thay vì số cổ phiếu đăng ký niêm yết hiện nay.

Đặc biệt, trong hơn 300 cổ phiếu niêm yết trên thị trường TP.HCM hiện nay được phân làm 11 ngành chính, thì riêng VN30 đã có đại diện của 9 ngành.

Ngoài ra, để hạn chế rủi ro bóp méo thị trường, tỷ trọng của mỗi mã chứng khoán trong rổ chỉ số không vượt quá 10%. Cứ 6 tháng một lần (vào tháng 1 và tháng 7), HOSE sẽ đánh giá lại các tiêu chuẩn để sàng lọc cổ phiếu đưa vào chỉ số VN30.

Cũng theo Hose, VN 30 được xem là giải pháp dung hòa giữa yêu cầu cấp thiết của thị trường về một chỉ số phản ánh tính chính xác hơn, biến động giá cả chứng khoán. Sự cần thiết phải chuẩn bị một tiền đề nền tảng cho chiến lược phát triển, các sản phẩm mới của HOSE như sản phẩm phái sinh và các dạng quỹ đầu tư mới trong tương lai.

“Cú hích” của thị trường chứng khoán Việt

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một thời gian dài trầm lắng và buồn chán, khi các nhà đầu tư ngày càng bộc lộ sự chán chường và muốn dời khỏi sàn giao dịch.

Việc thị trường chứng khoán sụt giảm có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu bắt nguồn từ khủng hoảng của nền kinh tế. Ngoài ra, còn có sự bất cập trong phương pháp tính chỉ số, cũng như sự “thôn tính” của một vài cổ phiếu đóng vai trò chủ chốt trong suốt thời gian qua như BVH, MSN, VIC, VNM, HAG.

Nhằm khôi phục thị trường và giúp nhà đầu tư có một sự lựa chọn rõ ràng hơn trong việc đầu tư cổ phiếu, VN30 đã ra đời. Đây được xem là một “cú hích” trên sàn chứng khoán TP.HCM trong năm 2012.

Bởi lẻ, tiêu chuẩn chọn vào N30 là những cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất nên giá cả của các cổ phiếu trong VN30 sẽ phản ánh tốt nhất mối quan hệ giữa cung và cầu cổ phiếu, từ đó hạn chế được sự làm giá vốn thường xảy ra đối với những cổ phiếu có thanh khoản kém.

Bằng chứng là trong danh sách chỉ số VN30 đã hội tụ hàng loạt những cổ phiếu của doanh nghiệp có tên tuổi, làm ăn phát triển. Vì vậy, với sự chọn lựa và đánh giá này, nhà đầu tư chỉ cần quan tâm theo dõi biến động của chỉ số, mà không cần phải tìm hiểu về công ty, tài chính công ty. Đây cũng là một cách để giảm thiểu những rủi ro, khi chỉ tham gia và đầu tư theo cảm tính, cách mà lâu nay nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn.

Ngoài ra, đây cũng là cơ sở để phát triển các quỹ đầu tư chỉ số, kéo theo sự gia tăng thanh khoản trên thị trường. Mặt khác, VN30 cũng kỳ vọng là tài sản cơ sở cho các sản phẩm phái sinh của HOSE sẽ triển khai trong tương lai.

Một điểm nổi bật của VN30, là sẽ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin chi tiết của thị trường, đồng thời với một chỉ số có khả năng mô phỏng và đầu tư được, các nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều cơ hội đầu tư và từ đó tự tin hơn khi xây dựng danh mục đầu tư cho riêng mình.

Mặc dù, chỉ số VN30 chưa được đưa vào áp dụng, nhưng thời gian qua những bàn luận xung chỉ số này luôn nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như tại các sàn giao dịch. Nhiều nhà đầu tư đã đặt khá nhiều niềm tin vào những lợi nhuận, khi chỉ số mới này được chính thức áp dụng. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn phải chờ thời gian minh chứng!

Danh sách VN30: STB - Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, VIC -Công ty Vincom, SSI - Công ty Chứng khoán Sài Gòn, MSN - Tập đoàn Masan, FPT -Công ty FPT, HAG - Hoàng Anh Gia Lai, KDC - Công ty Kinh Đô, EIB - Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam, DPM - Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, VNM - Công ty Sữa Việt Nam, REE - Công ty Cơ điện lạnh, OCG - Tập đoàn Đại Dương, IJC - Công ty Phát triển hạ tầng kỹ thuật, VCB - Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, PNJ - Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, BVH - Tập đoàn Bảo Việt, ITA - Công ty Đầu tư công nghiệp Tân Tạo.

HPG - Tập đoàn Hòa Phát, CTG - Ngân hàng Công thương Việt Nam, SJS - Công ty Đầu tư phát triển Đô thị và khu công nghiệp Sông Đà, QCG - Công ty Quốc Cường Gia Lai, PVF -Tổng công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam, PVD -Tổng công ty Khoan và dịch vụ khoan dầu khí, CII - Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, SBT - Công ty Bourbon Tây Ninh, VSH - Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh, KDH - Công ty Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền, DIG -Tổng công ty Đầu tư phát triển xây dựng, HVG - Công ty Hùng Vương, GMD -Công ty Đại lý liên hiệp vận chuyển.

10 cổ phiếu dự phòng: KBC - Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, PPC -Công ty Nhiệt điện Phả Lại, NTL -Công ty Phát triển đô thị Từ Liêm, DHG -Công ty Dược Hậu Giang, HCM - Công ty Chứng khoán TP.HCM, VCF - Công ty Vinacafe Biên Hòa, PVT - Tổng công ty Vận tải Dầu khí, PDR - Công ty Phát triển bất động sản Phát Đạt, BCI - Công ty Đầu tư xây dựng Bình Chánh, DPR -Công ty Cao su Đồng Phú.

vnmedia.vn