Tin tức

Tiếp tục có nhiều nhà máy điện bán cổ phần

Thứ bảy, 20/8/2005 | 00:00 GMT+7
Sau thành công của phiên đấu giá nhà máy thuỷ điện Vĩnh Sơn- sông Hinh, Cty điện lực Khánh Hoà trên sàn chứng khoán Hà Nội, trong thời gian tới, nhằm bảo đảm nguồn vốn cho đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện đúng tiến độ đề ra, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đã xây dựng kế hoạch thực hiện huy động vốn từ nhiều nguồn. Trong đó, nguồn vốn huy động từ việc tiếp tục bán đấu giá các nhà máy sản xuất điện và các công ty điện lực thành viên được EVN coi là kênh thu hút vốn quan trọng.

Nhiều dự án đầu tư đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn

Thực hiện quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010, xét triển vọng đến năm 2020 (Tổng sơ đồ V) được Chính phủ phê duyệt, để đáp ứng thu cầu điện năng cho nền kinh tế đất nước đến năm 2010 cả nước cần xây dựng 62 nhà máy điện (trong đó EVN đầu tư 32 nhà máy và tổng công suất 9.568 MW và đầu tư theo hình thức BOT, IPP 30 nhà máy); 28 dự án lưới điện 500kV và 155 dự án lưới điện 220kV.

Năm 2005, EVN dự kiến khởi công 10 nhà máy điện (gồm nhiệt điện Ô Môn, Hải Phòng, Quảng Ninh; Thuỷ điện Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Sê San 4, Sêrêpok 3, An Khê-Kanăk, Sông Tranh 2) và 5 công trình 500kV là đường dây 500kV Quảng Ninh - Thường Tín, Trạm 500kV Quảng Ninh, đường dây 500kV Nhà Bè - Ô Môn và trạm 500kV Ô Môn. EVN cũng đã trình duyệt các thủ tục đầu tư xây dựng gồm: dự án Nhà máy thủy điện Sơn La (công suất 2400MW, điện lượng trung bình năm 10,227 tỷ kWh) để có thể khởi công công trình chính vào cuối năm 2005; Dự án thủy điện Huội Quảng (công suất 520MW, điện lượng trung bình năm 1,868 tỷ kWh); Dự án thủy điện Bản Chát: (công suất 220MW, điện lượng trung bình năm là gần 700 triệu kWh, nếu tính cả điện lượng tăng cho Hòa Bình và Sơn La thì điện lượng là 1,090 tỷ kWh). Bên cạnh đó các dự án thủy điện Sêrêpok 3, An Khê-KaNăk đã được trình báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) trong năm 2004, hiện nay đang được Bộ Công nghiệp và các Bộ chức năng xem xét... Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn chưa được các bộ thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà một trong những nguyên nhân là do chưa có phương án tài chính.

“Bán” cổ phần các nhà máy, một kênh thu hút vốn quan trọng

Với số lượng các dự án đầu tư lớn, đến năm 2010, vốn cho các công trình mà EVN dự kiến hơn 13,7 tỷ USD. Riêng trong năm nay, EVN phải đầu tư hơn 23 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3 nghìn tỷ so với năm trước). Ðể đáp ứng nhu cầu về vốn cho các công trình, bên cạnh việc tiếp tục đàm phán gia hạn các thoả thuận đang triển khai và đàm phán vay vốn mới với gần 1 tỷ USD với các tổ chức tài chính, tập đoàn lớn, EVN cũng đang xúc tiến việc bán cổ phần lần lượt các nhà máy và các điện lực thành viên. Ðây được coi là một trong những nguồn thu quan trong của EVN nhằm giảm áp lực lãi suất vốn vay và tăng giá điện. Cùng với việc chọn nhà máy thuỷ điện Vĩnh Sơn- sông Hinh, nhà máy điện đầu tiên lên sàn chứng khoán bán đấu giá cổ phiếu thu về hơn 470 tỷ đồng (vượt 16 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu). Tiếp đến là kết quả khả quan từ việc bán một phần cổ phiếu của Cty điện lực Khánh Hoà, EVN đang khẩn trương hoàn tất công tác cổ phần hoá và sẽ tiếp tục đưa lên sàn chứng khoán cổ phiếu của 5 nhà máy điện và 20 công ty điện lực là thành viên của EVN. Dự kiến trong 2 tháng 5 và tháng 6, cổ phiếu của nhà máy nhiệt điện Phả Lại và nhà máy thuỷ điện Thác Bà sẽ tiếp tục được phát hành trên thị trường chứng khoán

Th. Dương – Kinh tế & Đô thị