Tin tức

Điện lực Việt Nam một năm nhìn lại

Thứ năm, 15/2/2007 | 00:00 GMT+7
Năm 2006 là năm của những sự kiện lớn đã diễn ra thành công tại Việt Nam như Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ X, Hội nghị APEC lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, Việt Nam chính thức được kết nạp là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới đã làm cho vị thế của đất nước được nâng cao trên trường quốc tế.
Năm 2006 cũng là năm đánh dấu bước phát triển mới của ngành điện bằng sự kiện Chính phủ quyết định thành lập Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con.

Năm 2006 vừa qua cũng là một năm nhiều khó khăn thách thức đối với ngành điện. Đó là, giá nguyên vật liệu, vật tư thế giới liên tục biến động tăng cao, nhất là giá xăng dầu, thêm nữa, điều kiện thiên nhiên diễn biến bất lợi, lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện (đặc biệt là ở các tỉnh Bắc bộ) thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm đã làm giảm sản lượng cung cấp điện của các nhà máy thuỷ điện. Cuối năm 2006, hàng loạt những cơn bão tàn khốc chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua đã xảy ra ở nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam làm hư hỏng nặng một số hạng mục công trình đang xây dựng của các dự án thuỷ điện. Tuy nhiên, tất cả những khó khăn rồi cũng qua đi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có những giải pháp quyết liệt để chủ động đối phó với những khó khăn này, vượt qua thử thách, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ của Chính phủ giao cho ngành là cấp điện an toàn liên tục, ổn định với chất lượng cao phục vụ các sự kiện trọng đại trong nước và quốc tế diễn ra tại Việt Nam, góp phần không nhỏ đưa tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước đạt 8,2%.

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN thì kết quả đạt được lớn nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đảm bảo an toàn cung cấp điện cho nền kinh tế quốc dân với sản lượng điện sản xuất và mua ngoài đạt 58,93 tỷ kWh, sản lượng điện thương phẩm đạt 51,374 tỷ kWh, vượt 274 triệu kWh so với kế hoạch Nhà nước giao. Cụ thể, EVN đã bán điện trực tiếp đến hơn 9,1 triệu khách hàng, trong đó gồm 100% số huyện, 96% số xã và 91,5% số hộ nông thôn. Cơ cấu tiêu thụ điện cũng có chuyển biến tích cực: Điện cung cấp cho công nghiệp tăng 18,1% đưa tỷ trong điện cung cấp cho công nghiệp từ 45,93% năm 2005 lên 47,43% năm 2006, đồng thời giảm được cơ cấu điện tiêu thụ cho sinh hoạt từ hơn 45% năm 2005 xuống còn 43,2% năm 2006.

Các Công ty Điện lực thành viên EVN cũng có nhiều cố gắng trong công tác áp giá điện và tổ chức tiếp nhận lưới điện tại nhiều đô thị và các xã làng nghề, xoá bỏ công tơ tổng ở một số khu tập thể cơ quan, đơn vị quân đội để bán điện trực tiếp đến các hộ tiêu dùng điện nhằm tăng giá bán bình quân. Do vậy, giá bán điện bình quân của Tập đoàn đạt 793,45 đồng/kWh, tăng 4,56 đồng/kWh so với năm 2005 và 8,79 đồng/kWh so với kế hoạch, góp phần tăng doanh thu cho ngành.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của phụ tải điện, năm 2006, EVN đã đưa vào vận hành 4 công trình nguồn điện với tổng công suất 431MW bao gồm đuôi hơi Phú Mỹ 2.1 mở rộng (công suất 150MW), thuỷ điện Sê San 3 (260MW), nâng công suất nhà máy điện Bà Rịa lên 21,9MW và nhà máy diesel Phú Quốc 8MW. Các công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho năm 2007 đã được tập trung chỉ đạo điều hành và thực hiện đáp ứng yêu cầu. Cụ thể: Dự án thuỷ điện Pleikrông đã tích nước vào tháng 10/2006 góp phần nâng sản lượng phát điện của thuỷ điện Yaly và Sê San 3 lên 400 triệu kWh vào mùa khô 2007; Thuỷ điện Quảng Trị tích nước vào tháng 8/2006, sẵn sàng cho phát điện đầu năm 2007; Công trình thuỷ điện Tuyên Quang đã tích nước đáp ứng yêu cầu tưới cho vụ đông xuân 2007 nhằm giảm lượng nước xả của thuỷ điện Hòa Bình và cắt lũ phục vụ phát cao cho nhà máy thuỷ điện Hoà Bình trong mùa lũ 2007. Các dự án được thực hiện theo cơ chế 797 và 400 của Thủ tướng Chính phủ như thuỷ điện Bản Vẽ, Buôn Tuasrah, Đồng Nai 3 đều bảo đảm chống lũ an toàn. Đã tiến hành ngăn sông dự án thuỷ điện Sông Ba Hạ, các dự án Buôn Kướp, Sêrêpôk 3, Đồng Nai 4, An Khê-Kanak đáp ứng tiến độ ngăn sông đầu năm 2007.

Một số dự án lưới điện thực hiện theo cơ chế 1195 đã vượt mục tiêu thời gian Chính phủ giao, đặc biệt là công trình lưới điện 220kV mua điện của Trung Quốc qua Lào Cai đã đóng điện tháng 9/2006 nhằm cung cấp cho hệ thống điện quốc gia 100MW, vượt 3 tháng so với yêu cầu. EVN đang khẩn trương triển khai công trình đường dây 220kV mua điện của Trung Quốc tại Hà Giang, dự kiến sẽ đưa vào vận hành cuối tháng 4/2007.

Bước vào kế hoạch năm 2006 với khó khăn lớn về huy động vốn đầu tư nên ngay từ đầu năm EVN đã xác định việc tìm kiếm và huy động đủ vốn cho các công trình là nhiệm vụ trọng tâm. Bởi vậy, Tập đoàn đã vay thương mại các ngân hàng trong nước 20.000 tỷ đồng, vay nước ngoài được hơn 7000 tỷ đồng. EVN cũng đã phát hành trái phiếu trong nước bằng tiền Việt Nam, huy động được 5000 tỷ đồng. Do vậy, năm 2006 nhu cầu vốn giải ngân đã được đáp ứng và có dự phòng thanh toán cho đầu năm 2007.

Theo đánh giá chung của EVN thì công tác quản lý kỹ thuật, kỹ thuật an toàn trong năm 2006 đã được thực hiện tốt nên số vụ tai nạn lao động giảm thấp. Do cơ chế khoán chi phí sửa chữa lớn theo Quyết định của Hội đồng quản trị EVN nên các Công ty truyền tải đã chủ động trong việc phê duyệt thủ tục mua sắm vật tư thiết bị nên công tác sửa chữa lớn tiến hành nhanh hơn trước. Năm 2006 cũng là năm xảy ra nhiều cơn bão lớn, đặc biệt là cơn bão số 6 và số 9 gây thiệt hại lớn tài sản của ngành điện nhưng do chuẩn bị kỹ phương thức đối phó, tổ chức diễn tập, chuẩn bị vật tư dự phòng và ứng trực kịp thời nên hậu quả đã được CBCNV toàn ngành nhanh chóng khắc phục.

Năm qua, thực hiện nghiêm quy trình đảm bảo an toàn lao động nên số vụ tai nạn lao động đã giảm xuống thấp nhất từ trước tới nay. Công tác xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp vẫn tiếp tục được triển khai, kết thúc năm 2006, toàn ngành đã giảm được 18,328 vụ vi phạm.

Ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ đầu tư, sản xuất kinh doanh điện lực, trong năm qua, EVN cũng đã chú trọng phát triển kinh doanh đa ngành để tạo tiền đề cho năm 2007, năm chính thức hoạt động theo mô hình Tập đoàn. Với giấy phép hoạt động trong ngành viễn thông công cộng, EVN đã triển khai cung cấp tất cả các dịch vụ như VoIP, IDD, Internet, điện thoại các loại trên nền mạng CDMA... đến 702.446 khách hàng, tổng doanh thu từ các dịch vụ này là 1.084 tỷ đồng. Dịch vụ VoIP và IDD là một trong hai nguồn thu chính của viễn thông công cộng điện lực. EVN Telecom đã cơ bản hoàn thành dự án mở rộng mạng CDMA giai đoạn 3 đưa tổng số trạm thu phát sóng (BTS) vào khai thác lên 1000 trạm. Nhờ phát huy khả năng hùng hậu của các Công ty Điện lực kết hợp với hàng loạt các chính sách hỗ trợ khách hàng mới được ban hành, đặc biệt là gói cuớc doanh nghiệp E-Com nên số lượng khách hàng sử dụng 3 loại hình dịch vụ trên nền mạng CDMA trong những tháng cuối năm tăng cao. Dịch vụ Internet trên truyền hình cáp bước đầu được thử nghiệm đã thu hút 31.000 khách hàng, chủ yếu tập trung tại TP Hồ Chí Minh, đem lại doanh thu 33 tỷ đồng cho ngành.
Về lĩnh vực sản xuất cơ khí điện lực, năm qua, EVN đã chế tạo được 22 máy biến áp 110kV, 1 máy biến áp 220kV, 3.638 máy biến áp phân phối, sản xuất 844 tấn cáp nhôm, 449 tấn dây điện từ. Đặc biệt, Công ty cổ phần chế tạo thiết bị điện đã quấn mới lại thành công cuộn dây của máy biến áp 500kV. Bên cạnh việc chế tạo máy biến áp các loại, các đơn vị cơ khí điện lực còn đẩy mạnh việc gia công cột thép cho các đường dây truyền tải, chế tạo thành công thiết bị thuỷ công và các cấu kiện cho các dự án thuỷ điện như tổ hợp Công ty cổ phần cơ điện miền Trung và Yên Viên đã hoàn thành gói thầu cung cấp thiết bị cơ khí thuỷ công cho dự án thuỷ điện Quảng Trị.

Công tác cổ phần hoá, xây dựng cơ sở hạ tầng đủ mạnh để vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm năm 2007 cũng đã được EVN đẩy mạnh triển khai.

Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, lãnh đạo EVN cũng thẳng thắn đưa ra những tồn tại trong năm như: Chương trình tuyên truyền và vận động khách hàng tiết kiệm điện theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện triệt để gây nên tình trạng thiếu điện vào những tháng cuối năm; Tiếp nữa là khối lượng vốn đầu tư đạt thấp so với kế hoạch, một số hạng mục của các dự án trọng điểm thực hiện chưa đồng bộ; Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn ngành còn cao (11,53%), không đạt chỉ tiêu Chính phủ giao (11%)... Từ những hạn chế này, Ban lãnh đạo Tập đoàn đã tìm ra nguyên nhân và chủ động đưa ra các giải pháp đối phó để năm 2007, năm chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động của EVN thực sự là bình mới nhưng rượu không cũ.

Một năm nhìn lại điện lực Việt Nam 2006, một năm bộn bề sóng gió, lắm thăng trầm nhưng cũng là năm đánh dấu những bước ngoặc cho ngành điện để tạo tiền đề cho những cú hích dài trong tương lai. Hi vọng với những cố gắng của hơn 8 vạn đội ngũ CBCNV ngành điện lực Việt Nam, những khó khăn, gian truân dù có nặng nề mấy cũng không cản bước được những con người tiên phong nắm dòng chảy nguồn sáng của tổ quốc. Và ở đồng bằng, trung du hay miền núi ở mọi miền đất nước, đội ngũ CBCNV điện lực lúc nào cũng sẵn sàng chung tay duy trì nguồn điện cho công cuộc CNH-HĐH đất nước.

home.evn.com.vn