Tin tức

Thành lập Công ty Tài chính Điện lực: Một tổ chức chuyên môn huy động vốn của EVN

Thứ tư, 23/8/2006 | 00:00 GMT+7
Trong Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Công ty TNHH một thành viên Tài chính Điện lực cuối thành 7 vừa qua, TCT Điện lực VN (EVN) khẳng định: “Bên cạnh hoạt động kinh doanh điện lực và viễn thông công cộng, hoạt động tài chính cũng sẽ trở thành một hoạt động bổ trợ quan trọng, vừa giúp huy động vốn cho toàn Tổng công ty để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, vừa là một kênh chia sẻ rủi ro, tăng lợi nhuận, tiến tới xây dựng Tổng công ty thành Tập đoàn kinh tế vững mạnh”…

Tính toán mới nhất của EVN cho thấy, nhu cầu đầu tư của toàn ngành điện trong giai đoạn 2006 – 2010 lên tới 325.478 tỷ đồng (của EVN là 222.771 tỷ đ, ngoài EVN: 102.707 tỷ đ).

Tất cả vì huy động vốn

Ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng giám đốc EVN cho biết, để có thể đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư và trả nợ, ngoài việc huy động và sử dụng linh hoạt các nguồn vốn tự có (vốn khấu hao cơ bản, vốn đầu tư phát triển…), EVN đã và sẽ phải tận dụng tối đa các kênh huy động khác như vốn Ngân sách cấp, vốn chênh lệch tăng giá điện, nguồn thu từ sử dụng vốn, huy động các nguồn vốn vay thương mại trong nước và nước ngoài, vốn vay ODA, vốn vay Quỹ Hỗ trợ phát triển, phát hành trái phiếu trong và ngoài nước, đẩy mạnh cổ phần hóa các đơn vị thành viên…

Nhờ cơ chế đặc biệt của Chính phủ trong cân đối cung - cầu về vốn đầu tư cho các công trình điện giai đoạn 2006 – 2010 và những nỗ lực đàm phán, nguồn cung vốn cho EVN đã được cải thiện đáng kể, nhất là những tháng gần đây: ngày 26/5, EVN đã ký 3 thỏa thuận nguyên tắc với 4 tổ chức tài chính ngân hàng là NH An Bình, Công ty Tài chính Dầu khí, VinaCapital và Deutsche Bank để phát hành khoảng 5.000 tỷ đồng trái phiếu loại 10 năm cho các nhà đầu tư nước ngoài, huy động 100 tỷ đồng để thực hiện DA đường dây 220 kV Tuyên Quang – Thái Nguyên, thu xếp 2.000 tỷ đồng cho DA viễn thông của Công ty thông tin viễn thông điện lực; tiếp theo, ngày 27/7, ký kết hợp đồng tín dụng có tổng trị giá 3.057 tỷ đồng với các NH Ngoại thương VN, Công thương VN, Đầu tư và Phát triển VN, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN cho DA thủy điện An Khê - Kanak và A Vương; ngày 3/8, ký hợp đồng tín dụng có tổng trị giá 4.076 tỷ đ với 4 NH trên cho DA thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4…(các NH này đã cam kết cho vay 42.000 tỷ đồng để đầu tư vào các công trình nguồn và lưới điện trong giai đoạn 2006 – 2010); ngày 20/7, phát hành 900 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm đợt IV năm 2006 dùng để đầu tư cho công trình thủy điện Bản Vẽ, Sê San 4 và An Khê - Kanak, nâng tổng số vốn huy động được qua phát hành trái phiếu từ đầu năm lên 2.900 tỷ đồng (mục tiêu của cả năm là từ 5.000 – 10.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, những “tín hiệu” mang chiều hướng thuận lợi nói trên không đủ cho EVN hết lo lắng. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải khoảng 16%/năm (đạt sản lượng điện từ 113 – 118 tỷ kWh vào năm 2010), mỗi năm, EVN phải có được ít nhất là 22.000 tỷ đ cho đầu tư mới các nguồn điện của mình (dự kiến năm 2006 cần 23.076 tỷ đ, năm 2007: 28.524 tỷ đ, năm 2008: 26.640 tỷ đ, năm 2009: 27.689 tỷ đ, năm 2010: 22.513 tỷ đ), và ít nhất là hơn 6.000 tỷ đ/năm cho phát triển lưới điện (lần lượt là 12.493, 11.881, 9.649, 6.710 và 6.531 tỷ đ); đó là chưa kể đến việc đầu tư vào các lĩnh vực khác như chế tạo thiết bị điện, kinh doanh viễn thông công cộng… và góp vốn vào các liên doanh. Trong khi thị trường vốn và thị trường tài chính của Việt Nam còn hạn chế do vốn của các ngân hàng trong nước nhỏ, nếu không có Công ty Tài chính và Ngân hàng nằm trong Tổng công ty, EVN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chủ động tìm và tiếp cận các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội.

“Để có thể huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư nguồn và lưới điện, đảm bảo chủ trương “điện phải đi trước một bước”, trong tình hình thị trường vốn của Việt Nam ngày càng khó khăn, Tổng công ty cần phải thiết lập thêm các kênh huy động vốn mới, đa dạng hơn, chuyên nghiệp hơn và có khả năng tiếp cận nhiều nguồn vốn hơn, cụ thể là bằng việc thành lập một tổ chức chuyên môn như là Công ty Tài chính”, ông Nguyễn Mậu Chung, Ủy viên thường trực Hội đồng quản trị EVN nhận định.

Một công ty, nhiều nhiệm vụ

“Công ty Tài chính sẽ tư vấn cho EVN trong việc quản lý các nguồn vốn, huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trên cơ sở tính toán hợp lý chu kỳ luân chuyển của dòng tiền và nhu cầu sử dụng các quỹ, chủ động tiếp cận các nguồn vốn cả ưu đãi và thương mại từ trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu đầu tư của EVN. Công ty Tài chính sẽ là đầu mối tiếp xúc, thu thập thông tin và xây dựng các phương án huy động vốn từ các nguồn vốn tiềm tàng của xã hội, đặc biệt là các nguồn vốn đầu tư gián tiếp thông qua thị trường voón nợ trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Công ty Tài chính sẽ chia sẻ và chủ động tiến hành các công tác bảo hiểm, dự phòng, phân tán rủi ro tài chính, quản lý, bảo toàn và phát triển vốn của EVN”, ông Chung cho biết về những nhiệm vụ của Công ty Tài chính Điện lực (EVNFC).

Theo phương án trình Thủ tướng, EVNFC là một tổ chức tín dụng phi ngân hàng và là DN có 100% vốn Nhà nước (vốn điều lệ dự kiến 1.600 tỷ đồng). Lĩnh vực và ngành nghề kinh doanh tương đối rộng: nhận tiền gửi có kỳ hạn từ một năm trở lên của EVN, các đơn vị thành viên của EVN và các tổ chức, cá nhân khác theo quy định của NH Nhà nước; phát hành tín phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các loại giấy tờ có giá khác để huy động vốn trong và ngoài nước (theo quy định của pháp luật; đàm phán ký kết các hợp đồng vay vốn trong và ngoài nước cho EVN, các đơn vị thành viên của EVN và các tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng; tiếp nhận và sử dụng vốn uỷ thác đầu tư trong và ngoài nước của Chính phủ, EVN, các đơn vị thành viên của EVN và các tổ chức, cá nhân khác; thực hiện quản lý đầu tư và kinh doanh chứng khoán, làm đại lý phát hành trái phiếu các tổ chức khác; đáp ứng nhu cầu tín dụng các đơn vị thành viên của EVN, các tổ chức, cá nhân khác; dịch vụ bao thanh toán; kinh doanh ngoại hối; tư vấn quản lý tài chính tiền tệ, tư vấn quản lý tài sản, tham gia đánh giá, thẩm định các dự án đầu tư để chuẩn bị nguồn vốn và cấu trúc nguồn vốn một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả của dự án đầu tư, xác định giá trị doanh nghiệp của các đơn vị trong quá trình cổ phần hoá, chuyển thành công ty TNHH một thành viên, thẩm tra báo cáo quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành của EVN, các đơn vị thành viên và các tổ chức khác; thanh toán tiền điện, tiền dịch vụ viễn thông điện lực của khách hàng; thực hiện các nghiệp vụ khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Bằng các nghiệp vụ có thể huy động vốn nhanh, nhiều và chi phí hợp lý từ nhiều nguồn khác nhau, hoạt động của EVNFC sẽ động viên một cách triệt để và cao độ các nguồn lực tài chính của EVN, các đơn vị thành viên và nguồn vốn nhàn rỗi của cán bộ công nhân viên chức cũng như của nhân dân để phát triển sản xuất, đẩy nhanh tốc độ tích lũy. Dự báo, trong 3 năm đầu, EVNFC sẽ huy động bình quân gần 12.000 tỷ đồng/năm và sẽ lớn hơn nhiều lần trong những năm tiếp theo, đồng thời sẽ làm ủy thác đầu tư khoảng 800 tỷ đồng mỗi năm. Tính toán cho thấy, với năng lực của mình, Công ty có thể đảm nhận phần lớn khoản vốn 94.266 tỷ đồng còn thiếu trong tổng số 222.771 tỷ đồng nhu cầu đầu tư của EVN trong giai đoạn 2006 – 2010.

www.icon.evn.com.vn