Tin tức

Lãng phí năng lượng - tình trạng phổ biến

Thứ tư, 23/8/2006 | 00:00 GMT+7
Theo Bộ Công nghiệp, hiện mức tiêu tốn năng lượng trên một đơn vị sản phẩm của doanh nghiệp trong nước thường cao hơn từ 1,5 đến 1,7 lần so với các doanh nghiệp ở các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore… -->

Theo Đoàn kỹ thuật các quốc gia nói tiếng Pháp cho biết, kết quả khảo sát hơn 40 toà nhà công sở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh mới đây cho thấy, có đến 75% số toà nhà có mức tiêu thụ điện cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cần thiết. Trong đó có 8 toà nhà vượt mức trung bình gấp 2 lần, 7 toà nhà vượt gấp 1,5 lần, các toà nhà còn lại cũng đều vượt cao hơn tiêu chuẩn cần thiết. Ông Phạm Huy Phong, trưởng phòng kỹ thuật – Trung tâm tiết kiệm năng lượng thành phố Hồ Chí Minh nói rõ hơn: thực trạng lãng phí điện của các toà nhà công sở không chỉ tập trung vào việc chiếu sáng mà còn xuất phát từ việc sử dụng thiết bị như máy tính, máy điều hoà nhiệt độ, máy photocopy…

Theo Bộ Công nghiệp, hiện mức tiêu tốn năng lượng trên một đơn vị sản phẩm của doanh nghiệp trong nước thường cao hơn từ 1,5 đến 1,7 lần so với các doanh nghiệp ở các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore… Nguyên nhân là do việc thiết kế nhà xưởng, bố trí dây chuyền, máy móc sản xuất chưa hợp lý, trang thiết bị quá cũ lại không được bảo dưỡng thường xuyên… điều này đã khiến cho nguồn điện năng tiêu hao lớn hơn mức cần thiết. Mặt khác, số doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng sau khi được đào tạo kiểm toán năng lượng rất thấp, chỉ chiếm khoảng 20%.

Viện chiến lược công nghiệp của Bộ Công nghiệp đưa ra cảnh báo, giai đoạn 2010 – 2020, Việt Nam có thể mất cân đối giữa cung và cầu đối với nguồn năng lượng sơ cấp nội địa. Tuy nhiên, bất chấp những dự báo trên và thực trạng những khó khăn mà ngành điện lực đang phải gánh trong việc huy động nguồn vốn xây dựng nhà máy điện, nhiều doanh nghiệp vẫn không hợp tác với các cơ quan chức năng để thực hiện kiểm toán và giảm tiêu hao điện năng. Ông Tôn Quang Trí, phó giám đốc Sở Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh bức xúc: “Họ cho rằng số liệu về tiêu thụ năng lượng là một trong những yếu tố mang tính chất cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau nên cho đến nay còn rất nhiều doanh nghiệp không chịu báo cáo định kỳ cho Sở Công nghiệp mặc dù Bộ Công nghiệp đã có quy định”.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã có chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành điện. Nhưng hiện nay chỉ mới huy động được 250 tỷ đồng (thiếu khoảng 100 tỷ đồng). Tổng công ty điện lực Việt Nam đã tiến hành vận động các doanh nghiệp nước ngoài tham gia nhưng chưa thu hút được họ. Riêng Sở Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đang gấp rút thực hiện đề tài đánh giá chỉ số tiêu thụ năng lượng trong các doanh nghiệp. Quan điểm của Sở Công nghiệp cũng rất rõ ràng hạn chế những doanh nghiệp tiêu tốn năng lượng lớn nhưng tạo ra đơn vị giá trị sản phẩm thấp. Nhưng liệu phương án này có khả thi và khi nào mới triển khai? Trong khi tình trạng thiếu điện đang là mối đe doạ trước mắt.

Ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng thành phố Hồ Chí Minh cho biết: để có thể hạn chế những thiệt hại kinh tế do thiếu hụt điện năng cần có những chính sách trước mắt và lâu dài. Trước hết là phải đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền thực hiện tiết kiệm năng lượng cho cộng đồng, doanh nghiệp nhằm từng bước nâng cao nhận thức của họ về vấn đề này, hướng dẫn cho họ sử dụng những thiết bị tiết kiệm điện, có chính sách trợ giá cho các sản phẩm này để khuyến khích người dân sử dụng. Về lâu dài phải xây dựng chiến lược phát triển nguồn điện năng cung cấp; có cơ chế buộc các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm toán, quản lý năng lượng; phải đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng… và quan trọng nhất là cơ quan Nhà nước phải đi đầu trong việc thực hành tiết kiệm năng lượng, tích cực xây dựng những công trình tận dụng năng lượng tự nhiên như gió, mặt trời… Có như vậy mới mong giảm bớt những thiệt hại cho nền kinh tế do thiếu hụt điện gây ra./.

www.vov.org.vn