Những kết quả đạt được giai đoạn 2001-2005 và định hướng phát triển Tổng Công ty Điện lực Việt Nam
Thứ tư, 25/1/2006 | 00:00 GMT+7
Tài liệu báo cáo đ/c Nông Đức Mạnh -Tổng bí thư BCH TW Đảng cộng sản Việt nam về làm việc với Tổng Công ty Điện lực Việt Nam ngày 19/1/2006
Nhân dịp đồng chí Tổng bí thư và đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Tổng công ty xin phép được báo cáo một số kết quả chính đã đạt được và định hướng phát triển điện lực trong những năm tới như sau:
I. Những kết quả đạt được trong giai đoạn 2001-2005
1. Đã hoàn thành sớm trước thời hạn chỉ tiêu điện sản xuất và điện thương phẩm của kế hoạch 5 năm, doanh thu ngày càng tăng cao.
- Trong 5 năm 2001-2005, Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã cơ bản đáp ứng nhu cầu điện, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Đặc biệt ngày 10 tháng 12 năm 2004, Tổng công ty đã đạt được chỉ tiêu điện năng sản xuất 44 tỷ kWh, hoàn thành chỉ tiêu năm 2005 của kế hoạch 5 năm 2001-2005 do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đề ra trước 1 năm 21 ngày. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt 15%/năm, cao hơn 4% so với mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2001-2005 đề ra.
- Doanh thu thực hiện tăng từ 17.521 tỷ đồng năm 2001 lên 37.595 tỷ đồng năm 2005. Tổng doanh thu trong 5 năm (từ 2001 - 2005) đạt 135.568 tỷ đồng. Tổng công ty đã phấn đấu giảm tổn thất điện năng từ 14,03% năm 2000 xuống còn 12% năm 2005, tiết kiệm hơn 500 tỷ đồng. Mặc dù trong những năm qua các điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn và giá cả đầu vào không ngừng tăng cao nhưng Tổng công ty đã cố gắng phân đấu sản xuất kinh doanh có lãi, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, đã bảo toàn và phát triển được vốn.
2. Tích cực đầu tư xây dựng đưa điện về nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Tính đến nay có 89,7% số hộ nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia. Nhiều vùng sâu, vùng cao đã được cung cấp điện, mang ánh sáng của Đảng đến cho đồng bào. Điện khí hóa nông thôn đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, góp phần giữ vững an ninh vùng biên giới. Chỉ tiêu đưa điện về nông thôn cao hơn nhiều nước trong khu vực có điều kiện kinh tế khá hơn nước ta như Philippin 79%, Indonexia 55%, Pakistan 50%, Ấn Độ 84%, Băng La Đét 15% và Nê pan chỉ 13%. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với đồng bào vùng nông thôn.
3. Thực hiện đúng định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2001-2010 của Đảng, Tổng công ty đã tập trung đầu tư xây dựng các khu công nghiệp điện lực lớn.
- Đến cuối năm 2005 đã hoàn thành Trung tâm điện lực Phú Mỹ có thiết bị hiện đại, công nghệ cao với tổng công suất gần 3.900 MW, đồng thời đã tiêu thụ hơn 10 tỷ m3 khí, trong đó có hơn 6 tỷ m3 khí đồng hành trước đây phải đốt bỏ, tiết kiệm gần 500 triệu USD. Công trình thủy điện Sơn La với khối lượng thực hiện được trên 50% khối lượng đào đất đá, nhiều hạng mục như đường giao thông, điện nước, ... cơ bản hoàn thành, công tác di dân tái định cư được thực hiện khẩn trương với chính sách đền bù thoả đáng, bảo đảm dân có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ. Công trình đã được khởi công và ngăn sông ngày 2/12/2005 và dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2010, đảm bảo an toàn tuyệt đối, sớm hơn 2 năm so với chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội, bổ sung thêm 20 tỷ kWh, mang lại doanh thu hơn 1 tỷ USD.
- Trong 5 năm qua, Tổng công ty đã đầu tư trên 92.100 tỷ đồng cho xây dựng nguồn và lưới điện nên đã đưa vào vận hành 6 nhà máy điện lớn với tổng công suất 3.300 MW; đưa vào vận hành hơn 65.000 km đường dây và hơn 38.000 MVA dung lượng trạm biến áp ở các cấp điện áp. Đặc biệt đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành đường dây 500 kV Bắc-Nam mạch 2 trong thời gian ngắn, kịp thời cung cấp điện cho miền Bắc, nhất là mùa khô năm 2005 vừa qua. Đồng thời đang xây dựng 23 nhà máy điện với tổng công suất 8000 MW, trong đó có 20 nhà máy thuỷ điện ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao sẽ góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở những vùng khó khăn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế của đất nước trong những năm qua.
4. Tổng Công ty đang sắp xếp và đổi mới hoạt động của Tổng công ty theo hướng xây dựng tập đoàn kinh tế mạnh.
Thực hiện các Nghị quyết Trung ương 3 và 9 khóa IX, Tổng Công ty đã hoàn thành kế hoạch sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đã hoàn thành cổ phần hóa xong 17 đơn vị thu hút được 4.344 cổ đông tham gia với lượng vốn thu về từ công tác cổ phần hóa hơn 1.500 tỷ đồng. Hoàn thành dề án xây dựng Tập đoàn Điện lực trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong năm 2006 sẽ triển khai thực hiện cổ phần hóa 42 đơn vị, trong đó có 5 nhà máy điện, 29 điện lực tỉnh, 4 Công ty tư vấn và 4 đơn vị trực thuộc các đơn vị thành viên của Tổng công ty. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa trong những năm tiếp theo.
5. Công tác cơ khí chế tạo vật tư thiết bị phục vụ ngành điện
Các Công ty cơ khí đã chế tạo, cung cấp cho nền kinh tế các sản phẩm như các loại cột điện, dây cáp điện đến cấp điện áp 500 kV và các máy biến áp đến cấp điện áp 220 kV. Đến nay, Việt Nam về cơ bản không phải nhập khẩu máy biến áp có cấp điện áp đến 110 kV và đã từng bước đáp ứng nhu cầu máy biến áp 220 kV.
Trong năm 2005, Tổng công ty đã tự sửa chữa máy biến áp 500 kV cho nhà máy thủy điện Yaly và đã chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho một số nhà máy thủy điện, đáp ứng nhu cầu thiết bị cơ khí thủy công ở trong nước.
6. Một số thành tựu trong các lĩnh vực khác
- Công tác tư vấn và quản lý dự án đã lớn mạnh vượt bậc. Từ chỗ trước đây phải thuê tư vấn nước ngoài đến nay đã tự thiết kế chế tạo và quản lý toàn bộ dự án đường dây và trạm biến áp, trong đó có đường dây và trạm biến áp 500 kV mạch 2; Làm tư vấn chính cho hơn 30 dự án nguồn điện lớn, trong đó có dự án thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á.
- Công tác vận hành an toàn, hiệu quả: Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn, phức tạp bao gồm nhiều nhà máy điện và 2 đường dây 500 kV có chiều dài lớn nhưng thời gian qua đã vận hành an toàn. Các cán bộ, kỹ sư đã tự chủ trong vận hành và sửa chữa, chưa để xảy ra sự cố lớn mang tính chủ quan.
- Tận dụng nguồn nhân lực và thiết bị sẵn có, kết hợp đầu tư xây dựng các thiết bị bổ sung, đến nay Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã có có một hệ thống đường trục cáp quang mạnh, là một công ty viễn thông đầu tiên có đường trục cáp quang đến tất cả 64 tỉnh thành trên cả nước. Đã bắt đầu kinh doanh dịch vụ, phục vụ cho nhu cầu của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, sẽ góp phần tăng nguồn tích lũy cho đầu tư xây dựng các công trình điện.
- Tổng công ty đã đào tạo được nguồn nhân lực tốt, phục vụ cho các hoạt động của Tổng công ty hiện nay và thời gian tới. Đã đào tạo bồi dưỡng cho hơn 5 vạn lượt cán bộ công nhân viên, hàng trăm thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành khác nhau. Đã nâng cấp 2 trường từ trung học lên cao đẳng và hoàn thiện thủ tục để nâng trường Cao đẳng Điện lực hiện nay lên Đại học.
- Đã tiến hành hợp tác điện năng với các nước trong ASEAN, Trung Quốc và các nước trong khu vực. Đã bán điện cho Căm Phu Chia tại 6 điểm ở 5 tỉnh và Lào ở 4 tỉnh.
7. Ban cán sự Đảng và các cấp ủy đã lãnh đạo và phối hợp với chính quyền, đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ.
Ban cán sự Đảng Tổng công ty trong thời gian qua cùng với các cấp ủy Đảng đã tập trung lãnh đạo hơn 12.000 đảng viên trong toàn Tổng công ty phát huy được tính tiên phong gương mẫu, đi đầu trong công tác, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị theo đúng đường lối của Đảng.
Với những nỗ lực phấn đấu của mình, năm 2004 Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tăng thưởng phần thưởng cao quý Huân chương Sao Vàng.
Đạt được một số thành tựu trên trước hết chính là nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ IX, sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của đồng chí Tổng bí thư, sự chỉ đạo điều hành có hiệu quả của Chính phủ, đặc biệt là 1 số cơ chế về phân cấp mạnh, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh, tạo sự đột phá trong quá trình sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng của Tổng công ty Điện lực Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao.
Tổng công ty xin chân thành cảm ơn Trung ương Đảng và Chính phủ, các Bộ ngành đã giúp đỡ Tổng công ty trong những năm vừa qua.
II. Một số khó khăn, tồn tại
- Thời gian chuanả bị đầu tư và xây dựng một nhà máy điện mất từ 7 – 8 năm, vì vậy cần cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết trong 10 năm. Nếu chỉ dừng lại kế hoạch 5 năm sẽ luôn luôn bị động, đối phó với nhu cầu điện tăng nhanh, sẽ không có nguồn điện cho 5 năm kế tiếp.
- Giá điện xuất phát từ giá bao cấp trước đây nhưng không được điều chỉnh theo lộ trình Chính phủ duyệt, trong khi giá đầu vào như nhiên liệu, vật tư, thiết bị và tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD ngày càng tăng nên tỷ suất lợi nhuận sản xuất kinh doanh điện đạt thấp, chỉ dưới 5%, do đó không cân đối được vốn đầu tư, không tạo sự hấp dẫn thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng các nhà máy điện. Thực tế là từ năm 2002 đến nay, không có nhà đầu tư nước ngoài nào vào đầu tư nhà máy điện (trừ tập đoàn Formosa xây dựng 150 MW phục vụ điện cho khu công nghiệp Nhơn Trạch). Lĩnh vực phân phối điện từ trước đến nay không có nhà đầu tư nào đặt vấn đề tham gia đầu tư do giá bán điện sinh hoạt thấp.
- Nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2006-2010 khoảng 250.000 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm 50.000 tỷ đồng. Sau khi cân đối các nguồn vốn từ cổ phần hóa, phát hành trái phiếu ra nước ngoài, vay thương mại... vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, có thể dẫn đến không thực hiện đúng kế hoạch đầu tư đề ra. Dư nợ vốn vay đến nay hơn 60.000 tỷ đồng, bằng 60% tổng tài sản nên khả năng cân đối tài chính khó khăn. Trong khi đó giá điện thấp, không có lợi nhuận hợp lý nên các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chuyển sang đầu tư ở các quốc gia có giá điện cao hơn Việt Nam. Nhìn chung, giá điện nếu không sớm điều hành theo quy luật thị trường thì sẽ là trở ngại lớn nhất trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Sự cố thiếu điện tháng 5/2005 làm cho ngành điện hết sức lo lắng. Nếu không đủ vốn không có nhà đầu tư bên ngoài Tổng công ty Điện lực tham gia vào thì rất có thể xẩy ra mất cân đối cung cầu trong một số năm tới.
- Một bộ phận cán bộ công nhân viên của Tổng công ty Điện lực Việt Nam chưa thật sự năng động sáng tạo, chưa có ý thức chủ động phục vụ khách hàng theo cơ chế thị trường, còn gây phiền hà, một số ít cán bộ chưa thực hiện đúng quy định của nhà nước.
III. Định hướng phát triển Tổng công ty Điện lực Việt Nam
1.Các mục tiêu của ngành điện Việt Nam đến năm 2020.
Định hướng phát triển điện lực trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã nhấn mạnh "Phát triển nhanh nguồn điện với cơ cấu hợp lý, hoàn chỉnh hệ thống truyền tải, bảo đảm sự vận hành an toàn, hiệu quả, đáp ứng đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, cả ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện, đồng thời có chính sách hỗ trợ các hộ nghèo". Mục tiêu cụ thể về phát triển ngành điện như sau:
- Đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2010 sản lượng điện thương phẩm khoảng 97 tỷ kWh, năm 2020 đạt sản lượng 260 tỷ kWh và đến năm 2025 đạt 380 tỷ kWh. Điện sản xuất năm 2010 đạt 112 tỷ kWh, năm 2020 đạt 290 tỷ kWh và năm 2025 đạt 430 tỷ kWh. Đưa điện năng bình quân đầu người từ 550 kWh/người năm 2005 lên 2600 kWh/người năm 2020 và 3.700 kWh/người năm 2025.
- Đa dạng hóa phương thức đầu tư phát triển ngành, đẩy mạnh cổ phần hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xây dựng, quản lý các công trình điện. Sớm hình thành thị trường điện lực và tiến hành trao đổi điện với các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc và các quốc gia khác.
- Đẩy nhanh chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi, phấn đấu đến năm 2010 đạt trên 90% số hộ dân nông thôn có điện và đến năm 2020 đạt gần 100% số hộ dân nông thôn có điện.
- Đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành điện.
- Đảm bảo kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển mạnh vốn nhà nước, phấn đấu đạt tỷ lệ tự đầu tư ở mức có thể cân đối được tài chính.
- Hình thành Tập đoàn điện lực thực hiện cơ chế hoạt động đa dạng hóa sản phẩm, đa ngành nghề.
- Kiểm soát và giảm nhẹ ô nhiễm môi trường trong các hoạt động điện lực.
2. Dự báo nhu cầu năng lượng và kế hoạch khai thác của Việt Nam trong tương lai:
a) Dự báo nhu cầu năng lượng:
Do tốc độ khai thác và sử dụng quy mô lớn trên toàn cầu nên các dạng năng lượng sơ cấp như than, dầu, khí, thủy năng sẽ dần dần bị cạn kiệt, dẫn đến nhiều quốc gia bị thiếu điện. Trong đó đối với nước ta, theo tính toán vào năm 2015 do thiếu nguồn năng lượng trong nước nên sẽ thiếu hụt lượng điện năng khoảng 9 tỷ kWh, năm 2020 thiếu 64 tỷ kWh và năm 2030 thiếu 190 tỷ kWh (gấp 4 lần sản lượng điện sản xuất năm 2005). Trong khi các nguồn năng lượng mới như gió, mặt trời, địa nhiệt, thủy triều có tiềm năng không lớn và suất vốn đầu tư cao hơn từ 2-4 lần so với suất đầu tư các nhà máy điện truyền thống.
b) Kế hoạch đầu tư khai thác các loại năng lượng:
Công suất lắp đặt của các nhà máy điện trong toàn hệ thống năm 2020 dự kiến khoảng 62.000 MW, năm 2025 khoảng 90.000 MW. Trong đó kế hoạch phát triển các nhà máy điện theo nguồn năng lượng như sau:
- Thủy điện: ưu tiên tập trung khai thác về thủy điện. Đến nay Việt Nam đã quy hoạch xong về thủy điện trong phạm vi toàn quốc nhưng đến nay mới khai thác được khoảng 25% tiềm năng, dự kiến đến cuối năm 2008 sẽ đầu tư xây dựng hầu hết các nhà máy thủy điện với tổng công suất khoảng 12.100 MW, đưa công suất các nhà máy thủy điện đến năm 2020 khoảng 16.000 MW và đến năm 2025 khoảng 20.000 MW. Với việc phát triển các dự án thuỷ điện không chỉ đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế mà còn đạt được nhiều mục tiêu như tận dụng và khai thác có hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, tiết kiệm nguồn nhiên liệu trong nước như than, dầu, khí; cung cấp nhu cầu nước cho nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải và sinh hoạt của người dân nhất là vào mùa khô; tạo điều kiện sắp xếp bố trí lại dân cư, có chế độ đền bù thỏa đáng sẽ góp phần cải thiện đời sống, nâng cao dân trí cho nhân dân ở những khu vực ảnh hưởng của các dự án; và đặc biệt nâng cao hệ thống phòng thủ an ninh do đặc điểm các dự án thường ở các vùng sâu, vùng biên giới của đất nước. Đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu sang công nghiệp, tăng nhanh GDP của khu vực miền núi.
- Nhiệt điện than: Việt Nam có chiều dài trên 3000 km nên cần nhanh chóng bố trí các nhà máy chạy than vào miền Nam và miền Trung, có thể dùng than VN hoặc nhập khẩu (để dành than) nhằm hỗ trợ cho các nhà máy thủy điện khi vào mùa khô (3 – 5 tháng) và phục vụ điện tại chỗ khi có sự cố xẩy ra, đảm bảo an ninh điện năng. Sẽ lần lượt xây dựng các nhà máy quy mô lớn tại Nghi Sơn (3.000 MW), Quảng Ninh (4.000 MW), Vũng Áng (3.000 MW), Nhơn Trạch (2.500 MW), miền Tây Nam bộ khoảng 5.000-6.000 MW, miền Trung (2.000 – 3.000 MW). Tổng công suất nguồn nhiệt điện than đến năm 2020 khoảng 21.000 MW, đến năm 2025 khoảng 36.000 MW
Nhiệt điện khí: Đến nay số lượng khí đã thăm dò là 394 tỷ m3. Ngoài Trung tâm Điện lực Phú Mỹ 3.900 MW, sẽ xây dựng tại Cần Thơ 4 nhà máy khoảng 3.000 MW, Bình Thuận 3.000 MW. Tổng công suất các nhà máy nhiệt điện khí đến năm 2020 khoảng 14.000 MW, đến năm 2025 khoảng 17.000 MW và một số khu vực khác khoảng 5000 MW. Tuy nhiên nhiệt điện khí sẽ gặp phải khó khăn khi tính đến đời sống mỏ khí chỉ tồn tại 10 - 20 năm.
- Các nhà máy điện sử dụng các dạng năng lượng mới và tái tạo: gió, mặt trời, thuỷ triều, địa nhiệt, sinh khối chỉ phát công suất tối đa 200-2000 MW nhưng suất vốn đầu tư rất lớn, nên khả năng đáp ứng nhu cầu điện không đáng kể.
- Nhà máy điện nguyên tử: Sau khi khai thác hầu hết nguồn năng lượng sơ cấp trên thì Việt Nam vẫn thiếu điện quy mô ngày càng lớn. Do vậy, việc tiến hành xây dựng nhà máy điện nguyên tử gần như là giải pháp tất yếu. Chính phủ đang xem xét báo cáo tiền khả thi dự án điện nguyên tử đầu tiên có công suất 2.000 MW nhưng do mức thiếu hụt điện quá lớn, nên cần xem xét đầu tư xây dựng ở quy mô lớn hơn, khoảng 8.000 MW năm 2025, tiếp tục xây dựng các nhà máy mới giai đoạn 2025-2050. Đây là chủ trương lớn quan trọng, do đó đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ nên xem xét sớm có chủ trương vì có liên quan đến một số nước láng giềng và một số cường quốc hạt nhân đang muốn giữ vai trò chi phối. Cần phải khởi động sớm ngay từ bây giờ thì đến năm 2020 mới đưa vào vận hành được.
- Hợp tác điện lực với các nước:
+ Hợp tác với Lào: Theo tài liệu khảo sát thì tiềm năng thủy điện tại Lào lớn, trong khi dân số ít, không có khả năng tiêu thụ hết điện. Tổng công ty đang tiến hành giúp bạn lập quy hoạch để liên doanh đầu tư các nhà máy thủy điện và nhận bao tiêu sản phẩm.
+ Hợp tác với Căm Pu Chia: Tổng công ty cũng đang khảo sát thủy điện hạ du sông Sê San và Sêrêpok tại Campuchia để xây dựng nhà máy điện và mua điện. Triển khai nhanh kế hoạch bán điện đến Phnômpênh để tạo quan hệ hợp tác kinh tế và an ninh chính trị.
+ Hợp tác với Trung Quốc: Tổng công ty đang đấu nối lưới điện với Trung Quốc ở cấp điện áp 110 kV, đang xây dựng lưới điện cấp điện áp 220 kV và đang xúc tiến đàm phán nối lưới trao đổi điện cấp điện áp 500 kV bằng đường dây tải điện một chiều nhằm chủ động và vận hành an toàn 2 hệ thống điện độc lập của hai nước. Dự kiến đến năm 2025 nhập khẩu khoảng 4.800 MW.
3. Một số lĩnh vực khác
Tổng công ty đang trình Chính phủ đề án thành lập Tập đoàn điện lực, sẽ phát triển đa ngành, tổ chức lại sản xuất cho phù hợp với quy mô phát triển.
a) Tận dụng các tiềm năng sẵn có và các lợi thế để tham gia và đẩy mạnh vào các lĩnh vực kinh doanh như viễn thông.
Chú trọng cung cấp các dịch vụ viễn thông điện lực trên các tuyến hành lang kinh tế: công nghiệp-du lịch-thương mại, nơi có mật độ dân số và thu nhập cao. Xem xét mở rộng thị trường ra nước ngoài, thực hiện kết nối mạng CDMA-450 của 3 nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) và quốc tế.
b) Đẩy mạnh lĩnh vực chế tạo cơ khí
Tập trung phát triển cơ khí điện lực và chế tạo thiết bị viễn thông. Tiến tới nghiên cứu, chế tạo thiết bị phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, cần có những nghiên cứu, tìm hiểu khả năng xuất khẩu sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là các nước ASEAN. Phấn đấu đến năm 2010 hoàn toàn tự chủ về thiết bị điện có thể đáp ứng nhu cầu máy biến áp 220 kV và các thiết bị 220 kV khác. Đầu tư để chế tạo các thiết bị thủy lực và các cấu kiện của các nhà máy thủy điện ở trong nước nhằm mục tiêu đến năm 2010 hầu hết các thiết bị thủy lực, các cấu kiện của các nhà máy thủy điện, nhiệt điện được chế tạo trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu.
c) Tham gia phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng
Nghiên cứu thành lập công ty tài chính và tham gia họat động ngân hàng để tạo sức mạnh tài chính cho Tập đoàn điện lực.
IV.Các giải pháp nâng cao năng lực và phát triển bền vững
Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã xây dựng các giải pháp đều tập trung cho đáp ứng nhu cầu điện tăng trưởng với tốc độ 16 – 17%/năm, cụ thể như sau:
1.Giải pháp thứ nhất là tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh và đầu tư xây dựng.
Giảm tổn thất điện năng đến năm 2010 đạt 9% và năm 2020 đạt 7%. Tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động với mục tiêu đến năm 2010 đạt mức tiên tiến trong khu vực. Nâng cao năng lực tư vấn, áp dụng công nghệ tiên tiến thiết kế các công trình điện nhằm tiết kiệm vốn đầu tư. Kiện toàn và nâng cao đội ngũ cán bộ quản lý dự án thêm một bước.
2.Giải pháp thứ hai là sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp mà trọng tâm là cổ phấn hóa mạnh hơn nữa.
Đẩy mạnh công tác cổ phần hóa hơn nữa nhằm tạo ra loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu. Tổng công ty nhà nước chỉ giữ độc quyền khâu truyền tải điện, nắm giữ 100% vốn nhà nước của các nhà máy điện lớn đảm bảo hiệu ích tổng hợp như cấp điện, chống lũ, tưới tiêu như các nhà máy thủy điện Hòa Bình, thủy điện Ialy, thủy điện Trị An, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu; Các nhà máy điện nguyên tử đảm bảo an toàn hạt nhân và phát triển bền vững môi trường sinh thái.
3. Giải pháp thứ ba là huy động đủ vốn đầu tư cho xây dựng các công trình điện.
Tận dụng tối đa nguồn vốn vay các Ngân hàng thương mại trong nước để vay vốn đầu tư xây dựng. Phát hành trái phiếu trong và ngoài nước. Tổ chức đấu thầu thiết bị theo hình thức tín dụng người bán hoặc người mua. Đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng để để các nhà đầu tư IPPs, BOT,... đầu tư các nhà máy điện.
4. Giải pháp thứ tư là bình ổn giá điện.
Giá điện năng được xây dựng trên cơ sở bù đắp các chi phí sản xuất và phân phối điện năng, đảm bảo khả năng trả nợ, đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư trong tương lai và một khoản lợi nhuận hợp lý trên vốn đầu tư. Các yếu tố cấu thành giá điện thường xuyên biến động nên giá điện được xem xét định kỳ điều chỉnh.
5. Giải pháp thứ năm là tổ chức thị trường điện
Thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam “Từng bước hình thành thị trường điện cạnh tranh trong nước, đa dạng hoá phương thức đầu tư và kinh doanh điện, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia, không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp”.
6. Giải pháp thứ sáu là phát huy vai trò lãnh đạo của Ban cán sự, các cấp ủy Đảng. Thực hiện đúng và kịp thời chủ trương phát triển kinh tế xã hội đề ra trong nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X.
V. Kiến nghị
Tổng công ty Điện lực Việt Nam xin kiến nghị Đảng và Nhà nước:
1. Yêu cầu các ngành xây dựng kế hoạch thực hiện trong 10 năm. Đây là căn cứ quan trọng để ngành điện xây dựng kế hoạch cấp điện 10 năm. Việc này sẽ giúp cho ngành điện chủ động triển khai công việc, tránh tình trạng bị động, đối phó.
2. Ưu tiên các chế độ chính sách đầu tư về vốn, thuế đối với các nhà máy thủy điện xây dựng ở vùng sâu, vùng xa, có tác động tích cực đến nhiều mục tiêu. Khuyến khích các doanh nghiệp, các địa phương đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ. Có các chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư điện lực, trong đó giá điện đang là vấn đề bất cập, cần được xem xét giải quyết hợp lý từng bước theo cơ chế thị trường.
3. Sớm xem xét, có kế hoạch cụ thể về phát triển điện nguyên tử, không dừng lại 1 dự án cụ thể mà xem xét chiến lược ít nhất đến 2050 để có thời gian chuẩn bị, nhằm khắc phục thiếu điện giai đoạn từ 2020 trở đi.
4. Quán triệt tinh thần tiết kiệm điện trong toàn dân, Nhà nước ban hành các biện pháp hành chính kiên quyết về tiết kiệm điện, dành điện cho sản xuất và giảm vốn đầu tư.
5. Xem xét có thể ghi các điều khoản về hợp tác điện lực vào một số văn kiện giữa 2 Đảng và Nhà nước (giữa Việt nam với Lào, Cam pu chia, Trung Quốc) là căn cứ quan trọng mà Tổng công ty Điện lực Việt nam có trách nhiệm cùng với bạn tổ chức thực hiện.
Trong những năm qua, Tổng công ty Điện lực Việt nam luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng; những chủ trương cụ thể phát triển điện lực trong các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc đã và đang tạo điều kiện để ngành điện phát triển đúng hướng.
Hôm nay, Tổng công ty Điện lực Việt nam hết sức vinh dự và tự hào được đ/c Tổng bí thư và đoàn công tác về thăm và làm việc cho phép Tổng công ty được phép báo cáo những vấn đề lớn của Điện lực Việt Nam. Kính mong đồng chí Tổng bí thư xem xét và có ý kiến chỉ đạo.
Nhân dịp đầu xuân, kính chúc đ/c Tổng bí thư mạnh khoẻ, tiếp tục lãnh đạo đất nước phát triển. Kính chúc các đồng chí trong đoàn công tác hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn./.
TỔNG CÔNG TY ĐIỆN LỰC VIỆT NAM
home.evn.com.vn