Phỏng vấn ông Đặng Hùng - Cục trưởng Cụ Điều tiết Điện lực:
Thứ sáu, 17/2/2006 | 00:00 GMT+7
So với một số nước phát triển, Việt Nam đi hơi chậm khi tháng 12 vừa qua mới cho ra đời Cục Điều tiết Điện lực (trực thuộc Bộ Công nghiệp), song vẫn phải công nhận một điều rằng: Quyết định thành lập Cục Điều tiết Điện lực (ARAV) là một quyết định kịp thời trong thời điểm hiện nay.
Tiến trình cải cách ngành Điện muốn đi đúng hướng không thể thiếu một “hoa tiêu” và lộ trình phát triển thị trường điện với những bước đi chập chững ban đầu cần có một “đòn bẩy” pháp lý vững chắc. Trao đổi với phóng viên TCĐL, Cục trưởng Đặng Hùng cho biết:
Ở nhiều nước trên thế giới, các cơ quan điều tiết điện lực đều là những cơ quan độc lập, có thể độc lập tuyệt đối hoặc độc lập tương đối (chịu sự chỉ đạo của Chính phủ). Còn ở nước ta, việc Cục điều tiết Điện lực trực thuộc Bộ Công nghiệp vẫn đang có nhiều tranh cãi, vì muốn hoạt động đúng chức năng của mình thì ít nhất Cục Điều tiết phải có sự độc lập tương đối.
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, với chức năng chính là điều tiết hoạt động điện lực và phát triển thị trường điện lực, trong giai đoạn đầu mới thành lập, Cục Điều tiết sẽ tập trung triển khai thực hiện những việc gì?
Ông Đặng Hùng: Trong những năm đầu, để xây dựng được cơ chế điều tiết, thúc đẩy thị trường điện lực phát triển, Cục sẽ tập trung xây dựng những văn bản pháp lý để thị trường điện lực trong tương lai có thể hoạt động minh bạch, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng và bình đẳng cho tất cả các nhà đầu tư vào ngành Điện. Đồng thời, Cục sẽ khẩn trương đào tạo đội ngũ cán bộ để có thể đảm đương được chức năng, nhiệm vụ được giao.
PV: EVN hiện đang bước những bước đầu tiên trong tiến trình cải cách ngành Điện theo hướng thị trường hoá hoạt động sản xuất kinh doanh. Vậy, Cục Điều tiết đóng vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh hoạt động theo đúng nghĩa của nó?
Trong lộ trình xây dựng và phát triển thị trường điện lực Việt Nam đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, thì việc tái cơ cấu ngành Điện là rất quan trọng. Hiện nay, EVN đã và đang thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả của DNNN qua các bước như: Cổ phần hoá, thử nghiệm mô hình công ty TNHH MTV…, EVN cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng Tập đoàn Điện lực. Tuy nhiên, khi lộ trình xây dựng và phát triển thị trường điện lực được phê duyệt thì tất cả những vấn đề này phải được xem xét lại. Từ góc độ phát triển thị trường, phải nhìn lại việc tái cơ cấu tổ chức ngành Điện như việc thành lập một số cơ quan: Truyền tải, Điều độ, Quản lý thị trường, Người mua duy nhất… Tất cả các Cơ quan đó đều phải nằm trong một tổng thể để đảm bảo sự bình đẳng, công khai cho tất cả các thành phần tham gia thị trường điện. Nhưng cũng xin nhắc lại, việc tái cơ cấu ngành Điện là một tiền đề để phát triển thị trường điện lực và ngành Điện đã đi những bước đầu tiên theo đúng chính sách của Đảng, Nhà nước, song khi lộ trình trên được phê duyệt thì những bước đi nào chưa đúng sẽ phải làm lại.
PV: Nếu chưa đúng sẽ phải sắp xếp lại doanh nghiệp một lần nữa, như vậy liệu có làm mất thời gian và xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành không, thưa ông?
Sẽ không xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh. Vấn đề chỉ là cách đi để đến mục tiêu, hoặc là đi nhanh mà bước hụt, hoặc là chậm nhưng chắc và không phải sửa sai.
PV: Hiện nay thiếu vốn đầu tư là một thách thức lớn đối với ngành Điện nói chung và EVN nói riêng. Việc thúc đẩy sớm hình thành thị trường điện cạnh tranh phải chăng là một “cứu cánh” giải quyết vấn đề vốn, thưa ông?
Quốc hội đã từng thảo luận với những câu hỏi như: Việt Nam đã có thị trường điện lực chưa? Thực chất, khi đã có người bán, người mua tức là đã có thị trường. Nhưng thị trường ấy đã công khai, minh bạch và bình đẳng chưa khi EVN chiếm tỉ lệ nguồn điện cao như vậy…Phải khẳng định rằng, đó không phải là độc quyền doanh nghiệp mà là độc quyền nhà nước. Mà theo quy luật ở các nước tiên tiến, khi Nhà nước không đủ vốn và điều kiện để đảm bảo đủ điện cho sự phát triển kinh tế đất nước thì lúc đó phải chuyển từ độc quyền nhà nước sang thị trường nhằm thu hút vốn đầu tư.
Ở nước ta, Luật Điện lực ra đời cũng như Cục Điều tiết Điện lực được thành lập và sự hình thành của thị trường điện lực chính là nhằm giải quyết một số vấn đề mà tự thân nó mâu thuẫn: Làm sao thu hút đầu tư. Đến thời điểm này, để đảm bảo An ninh năng lượng Quốc gia, ngành Điện không thể chỉ sử dụng các nguồn vốn có nguồn gốc Nhà nước và cũng không đủ khả năng tự đầu tư phát triển hệ thống nguồn với số vốn khổng lồ lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, mà phải thu hút rất nhiều thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, để thực hiện được mục tiêu là đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp thì ngay từ bây giờ chúng ta phải xây dựng được một khung giá điện hợp lý, đảm bảo cạnh tranh quốc gia trên thị trường khu vực và thế giới.
PV: Theo ông thì giá điện theo cơ chế bù chéo như hiện nay có phải là một trong những trở ngại lớn cho việc thúc đẩy tính cạnh tranh quốc gia của Việt Nam?
Khi Việt Nam hội nhập kinh tế, nếu vẫn duy trì chính sách giá điện như hiện nay, chúng ta có thể mất thị trường ngay tại trong nước, người Việt Nam sẽ dùng hàng ngoại chứ không dùng hàng nội nữa. Vì vậy, chính sách giá điện cần phải điều chỉnh và biểu giá bù chéo phải giảm càng nhanh càng tốt. Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ khi xem xét chiến lược phát triển ngành Điện cũng đã có kết luận về việc phải cố gắng nhanh chóng giảm bù chéo.
Nhiều nước trên thế giới thường dùng quỹ công ích để bù giá cho người nghèo chứ không phải bù nhóm khách hàng này cho nhóm khách hàng khác. Như ở Thái Lan, sau khi tính toán giá thương mại và giá theo thành phần phụ tải thì họ bù giá rồi mới tính đến giá người tiêu dùng phải trả, người càng nghèo càng được bù giá nhiều. Hoặc ở Trung Quốc, địa phương nào muốn phát triển công nghiệp thì địa phương đó bù giá trực tiếp cho các hộ nghèo. Có nghĩa, cùng với việc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng điện, còn cần bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điện năng. Việt Nam phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, do đó phải đảm bảo hai mục tiêu: Đảm bảo thị trường cạnh tranh, đồng thời với những ưu việt của CNXH là công bằng xã hội, văn minh và người nghèo có thể sinh sống được. Chính sách giá điện mới cũng phải đảm bảo được định hướng của Đảng và Nhà nước, giảm bù chéo để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia.
PV: Hiện EVN là đơn vị duy nhất chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, liên tục cho nền kinh tế quốc dân và đời sống nhân dân. Ông cho biết, khi Cục Điều tiết ra đời thì trách nhiệm này EVN có còn phải một mình gánh chịu và Cục có vai trò như thế nào trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia?
Cục Điều tiết ra đời chỉ với trách nhiệm trợ giúp cho EVN và các doanh nghiệp hoạt động điện lực khác tạo đủ vốn đầu tư phát triển; giám sát các công trình xây dựng điện và tạo ra khung pháp lý để đưa các công trình vào hoạt động càng nhanh càng tốt; theo dõi biến động nhu cầu điện nhằm kịp thời đề xuất các giải pháp đảm bảo cân bằng cung cầu điện. Đồng thời, xây dựng một khung giá điện hợp lý để tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là khách hàng công nghiệp, dịch vụ và ngành năng lượng nói chung phát triển.
Chính vì vậy, về lâu dài, EVN vẫn là đơn vị hoạt động điện lực lớn nhất nước ta. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, những doanh nghiệp lớn nhất vẫn phải chịu sự chỉ đạo của Chính phủ và được Chính phủ giao cho nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
PV: Xin cảm ơn Ông!
home.evn.com.vn