Hệ thống đo đếm điện năng "Pay-As-You-Go" (tạm dịch là "dùng bao nhiêu thanh toán bấy nhiêu" sẽ dành cho khách hàng quyền kiểm soát mức tiêu thụ điện năng của mình, đồng thời, nó cũng góp phần giải tỏa bớt được một số sự vụ đau đầu cho đơn vị bán điện.
Hãng Woodstock thực hiện phương án "Pay-As-You-Go" (PAYG) vào năm 1989, và kết qủa rất khả quan cả về mặt tiết kiệm điện năng cũng như quan hệ với khách hàng. Trải qua 14 năm liên tục trở lại đây, đã có khoảng 25% số khách hàng chuyển sang mua điện theo phương thức này vì họ đã thực sự được hưởng quyền tự kiểm soát việc tiêu thụ điện của mình và được hưởng lợi khi thực hành tiết kiệm điện.
Hệ thống PAYG là một cách lựa chọn mang tính tự nguyện đối với khách hàng. Đơn vị bán điện sẽ nối vào ổ cắm của công tơ một chiếc máy đo xinh xắn và khách hàng chỉ cần cắm một bộ hiển thị (màn hình) nhỏ gọn vào bất cứ ổ cắm nào trong nhà. Bộ hiển thị này sẽ liên thông với máy đo qua hệ thống mạng điện gia đình. Từ màn hình, khách hàng biết được một cách chính xác là mình đang dùng điện theo đơn giá bao nhiêu đô-la một giờ (kể cả tiền lẻ), đây là cách báo giá dễ hiểu đối với khách hàng. Khách hàng nạp lại vào bộ nhớ ở góc một tấm các chuyên dụng, nhờ đó khách hàng có thể mua điện bất kỳ số lượng nào theo ý muốn, rồi cho tấm các chạy lướt qua bộ hiển thị.
PAYG là một phương tiện đơn giản và thiết thực để giúp khách hàng tự kiểm soát việc tiêu thụ điện của mình. Việc tạo cho khách hàng công cụ đo lường, theo dõi và kiểm soát lượng điện năng đang được sử dụng trong nhà đã dẫn đến kết quả giảm bớt hẳn được 15-20 % mức chi phí điện năng so với trước đây, khi khách hàng vẫn dùng điện và trả tiền theo lối cũ là qua đường bưu điện.
Có biết rõ được mức chi phí điện năng cho mỗi thiết bị hoặc dụng cụ điện, chúng ta mới để tâm hơn trong khâu sử dụng và tiết kiệm điện. Ở đây chúng tôi xin mạn phép đưa ra một câu có vẻ triết lý liên quan đến cuộc sống: Tri thức là sức mạnh, còn tiền bạc chỉ là một yếu tố kích thích mà thôi.
Theo kinh nghiệm của tôi, có hai lý do giải thích tại sao khách hàng lại tiết kiệm được điện năng khi sử dụng hệ thống PAYG.
Một là, theo hệ thống này, mức tiêu thụ điện năng được đo đếm theo thời gian thực tính thẳng ra đô-la, chính xác đến từng xu, chứ không phải là tấm mặt số công tơ vô cảm với các đơn vị kilôoát - giờ (kWh) lạ lẫm.
Hai là, xét theo khía cạnh sản phẩm, hệ thống PAYG khiến điện năng cũng mang giá trị tiêu dùng như một loại hàng hóa cụ thể, như xăng chẳng hạn. Hãy xem, khi dùng ô-tô, chúng ta mua xăng và thường quan sát đồng hồ đo xăng trên xe của mình để biết nó giảm dần đến mức nào, vì mỗi khi xe lăn bánh, xăng bị tiêu hao. Thế mà không ai trong chúng ta lại đi phàn nàn với nhân viên trạm bán xăng rằng sao chúng ta đã xài nhiều xăng thế, vậy điều này cũng hệt như việc chẳng ai trong chúng ta lại phàn nàn rằng sao mình đã dùng quá nhiều điện, bởi vì chính khách khàng đã tự làm chủ trong việc sử dụng điện của mình.
Còn khá nhiều điều chưa sáng tỏ liên quan đến hệ thống công-tơ tính tiền theo lối cũ, để lại những mối hoài nghi và thất vọng trong lòng khách hàng sau khi đã trả tiền, bởi hóa đơn thanh toán thường đến chậm sau 1 hoặc 2 tháng.
Hệ thống PAYG cũng thuận tiện cho khách hàng cả về thời gian và địa điểm mua điện, đồng thời, nó cũng đem lại nhiều lợi ích cho đơn vị bán điện.
Khi thiếu điện, đương nhiên các đơn vị cấp điện chỉ được bán với số lượng ít hơn. Hệ thống phân phối điện hiện có vẫn còn khả năng phục vụ lâu dài, do đó, cần phải phát triển thêm các nguồn phát điện mới để đáp ứng nhu cầu.
Quan hệ với khách hàng đã được cải thiện rất đáng kể và những lời than phiền về hóa đơn thanh toán cao thực tế đã không còn vì khách hàng cũng đã ý thức được trách nhiệm về việc tiêu thụ điện năng của mình.
Trước đây, khi các công ty điện lực giải đáp những lời ta thán về việc hóa đơn tiền điện quá cao, họ cũng đã đề xuất một chương trình sử dụng năng lượng hiệu quả, yêu cầu Chính phủ hoặc những người đóng thuế phải có biện pháp hỗ trợ.
Tuy nhiên, giải pháp này mới chỉ đơn thuần mang tính vận động hoặc kiến nghị để xoa dịu dư luận, chưa đem lại lợi ích đáng kể nào cho khách hàng.
Hệ thống PAYG đưa chính người tiêu dùng vào cuộc, tự thực hiện công tác kiểm tra và xóa bỏ được các khúc mắc. Khách hàng có thể thấy được cụ thể mỗi giờ mình tiêu bao nhiêu đô la, bao nhiêu xu. Một khi bạn biết được là mình đang chi tiêu như thế nào thì sẽ khỏi mất nhiều thời gian để xác định cần hạn chế dùng điện ở khâu nào nhằm tiết kiệm tiền bạc. Ngay việc có ít khách hàng phàn nàn hơn cũng đã tiết kiệm được tiền cho công ty cung cấp điện.
Hệ thống PAYG còn đem lại những khoản tiết kiệm đáng kể trong các khâu lập hóa đơn thanh toán, phong bì thư tín, cước phí bưu điện, giải quyết tài khoản quá hạn, cũng như tiết kiệm nhân công cần thiết cho các việc liên quan nói trên. Trên thực tế, hãng Woodstock đã loại bỏ được các dịch vụ kiểu gom nhặt thanh toán cho các tài khoản quá hạn và hết giá trị. Ngoài ra, với hệ thống PAYG, chúng ta cũng bỏ được việc đọc số điện trên công-tơ. Tóm lại, các khoản tiết kiệm được là rất đáng kể.
Từng đô-la tiết kiệm được đều đáng quý đối với người tiêu dùng cũng như đối với cơ sở bán điện. Với 30 năm kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh điện năng, tôi có thể nói rằng mặt mạnh của hệ thống PAYG là ở chỗ nó là chương trình duy nhất đã đạt được yêu cầu bảo toàn năng lượng mà không cần đến những kích thích vật chất từ phía các đơn vị cung cấp điện hoặc từ Chính phủ.
Hệ thống PAYG tiết kiệm được tiền bạc, góp phần vào chiến lược bảo toàn năng lượng cho xã hội và nó cũng làm khách hàng hài lòng hơn. Sức mạnh của hệ thống PAYG đã và đang phát huy tác dụng trong đời sống xã hội chúng ta.
home.evn.com.vn