Tin tức

Cổ phiếu ngành điện “ăn chắc mặc bền”

Thứ tư, 22/2/2006 | 00:00 GMT+7
sức hấp dẫn của cổ phiếu ngành điện ở mức vừa phải So với các loại chứng khoán khác trên thị trường tự do OTC, sức hấp dẫn của cổ phiếu của các nhà máy điện ở mức vừa phải, lợi nhuận ổn định trong thời gian dài. --> --> Cổ phiếu của các công ty điện là mặt hàng thích hợp cho những nhà đầu tư “ăn chắc mặc bền”, đối tượng được Tổng công ty Điện lực nhắm đến trong hai cuộc đấu giá cổ phiếu là nhiệt điện Phả Lại ngày 25/11 và thuỷ điện Thác Bà ngày 12/12/2005 tới đây.

Cổ phiếu như trái phiếu

Nhiệt điện Phả Lại có vốn điều lệ 3.107 tỉ đồng, sẽ bán đấu giá công khai tại hai trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội và Tp.HCM 729 tỉ đồng cổ phiếu với giá khởi điểm 10.200 đồng/cổ phiếu.

Thuỷ điện Thác Bà vốn điều lệ ít hơn, 635 tỉ đồng, bán ra ngoài 154 tỉ đồng với giá khởi điểm 10.800 đồng/cổ phiếu. Cả hai đều là những đơn vị kinh doanh tương đối hiệu quả và hứa hẹn mức cổ tức ổn định 12%/năm trong vòng bốn năm 2006 -2009 cho nhà đầu tư.

Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm 12 tháng dao động 9,2% - 9,6%/năm, thì mức lãi suất trên không phải cao. Còn xét về kỳ vọng tăng giá, cổ phiếu điện khó có khả năng tăng giá mạnh như cổ phiếu ngân hàng, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, dịch vụ vận tải, kinh doanh nhà đất, dược phẩm…

Thí dụ, cổ phiếu thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh đầu năm nay được xác định qua đấu giá là hơn 10.500 đồng/cổ phiếu, và hiện được mua bán bên ngoài hoặc qua sàn Hà Nội ở mức 12.500 – 12.800 đồng/cổ phiếu. Trong khi mức tăng giá bình quân của nhiều cổ phiếu niêm yết cùng thời gian trên là 30%. Mặt khác, thanh khoản của cổ phiếu Vĩnh Sơn – Sông Hinh, mặc dù đã đăng ký giao dịch qua Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, cũng chỉ ở mức trung bình.

Lợi nhuận cao, khấu hao lớn

Hầu hết các nhà máy điện được đầu tư bằng vốn vay thương mại (vay ngân hàng) và một phần vốn ODA, nên phải dành một tỷ lệ khá cao lợi nhuận hàng năm để trả nợ và khấu hao máy móc, thiết bị. Điều này lý giải tại sao lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp điện không phải thấp (dự kiến lợi nhuận sau thuế năm 2006 của Phả Lại là 487,6 tỉ đồng, của Thác Bà 96 tỉ đồng), nhưng cổ tức chỉ dừng ở 12%/năm. Hơn nữa trong những năm đầu sau cổ phần hoá, các nhà máy điện vẫn bán điện cho Tổng công ty Điện lực theo mức giá chung của Nhà nước.

Sản lượng điện ổn định theo công suất thiết kế, giá bán điện không thay đổi, chi phí đầu vào của sản xuất là sức nước hoặc than không có nhiều biến động, dẫn đến doanh thu, lợi nhuận của các nhà máy được xác định gần như chính xác, chắc chắn. Tuy nhiên, ưu thế này cũng đi liền với bất lợi, doanh nghiệp thiếu đột phá về hiệu quả kinh doanh, là tiền đề cho kỳ vọng tăng giá cổ phiếu.

Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn còn nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu chi phối ở các nhà máy điện; thấp thì 51% như thuỷ điện Cần Đơn, cao thì 75% như Phả Lại, Thác Bà. Bộ máy điều hành và phương thức quản trị ở những doanh nghiệp điện, do đó, hầu như không thay đổi.

Những nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của thuỷ điện Cần Đơn (Tổng công ty sông Đà đại diện phần vốn nhà nước) than phiền, đã hơn một năm nay công ty không hề có một thông báo nào về tình hình sản xuất, kinh doanh. Quy chế công khai thông tin của công ty cổ phần dường như bị quên lãng, như thể thuỷ điện Cần Đơn vẫn là doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng là yếu tố được nhà đầu tư tính đến khi cân nhắc bỏ tiền vào cổ phiếu điện.

www.vneconomy.com.vn