Trên cơ sở đó từng bước nâng tỷ lệ điện hạt nhân chiếm 11% trong tổng sản lượng điện quốc gia vào năm 2025 và có thể sẽ lên 25-30% vào năm 2040- 2050.
Dự báo đến năm 2020, nước ta sẽ thiếu khoảng 36 tỷ KWh điện và đến năm 2030, con số này sẽ là gần 120 tỷ KWh. Như vậy, phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình là cần thiết, không những nước ta sẽ đẩy mạnh ứng dụng năng lượng bức xạ trong đời sống kinh tế xã hội, chẩn đoán chữa trị bệnh mà còn góp phần giải quyết nhu cầu thiếu năng lượng điện trong tương lai.
Điện hạt nhân chiếm 16% sản lượng điện thế giới
Trong suốt 2 thập niên vừa qua, điện hạt nhân đã chiếm 16% tổng sản lượng điện trên thế giới. điện hạt nhân đã trở thành một nguồn cung cấp lớn trong cơ cấu điện năng của nhiều quốc gia.
Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), đến đầu năm 2005, trên thế giới đã có 441 tổ máy điện hạt nhân tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện tại, có 25 tổ máy điện hạt nhân đang được xây dựng, trong đó có tới 60% ở các nước đang phát triển.
Như vậy, con số 16% điện hạt nhân trong tổng sản lượng điện sẽ không dừng ở đó mà sẽ tiếp tục được tăng lên 19% vào năm 2050.
Theo đó, công suất điện hạt nhân trên thế giới sẽ không còn là 360.000 MW như hiện nay mà sẽ tăng lên đến 1 triệu MW. Trung Quốc đã có kế hoạch đến 2020 sẽ có 40 tổ máy điện hạt nhân hoạt động. Còn riêng Ấn Độ dự định sẽ tăng 10 lần công suất điện hạt nhân vào năm 2022 và sẽ lên 100 lần vào kgoảng những năm 50 so với mức hiện nay.
Kinh nghiệm cho thấy, hầu hết những nước đang phát triển như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi... Hoặc các nước đã thực hiện công nghiệp hóa như: Hàn Quốc, Đài Loan, Hungary, Bungary... muốn đảm bảo nhịp độ phát triển kinh tế với tốc độ cao đều phải lựa chọn phương án phát triển điện hạt nhân vào cơ cấu nguồn điện năng quốc gia. Chương trình phát triển điện hạt nhân được coi là động lực chính của quá trìnhcông nghiệp hóa - hiệnđại hóaở các nước này.
Đáp ứng 9% tổng công suất điện trong nước
Theo ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử, ở nước ta hiện nay, nguồn điện năng chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện...
Việc ứng dụng năng lượng mới và tái tạo như: gió, mặt trời, thủy triều, địa nhiệt do giá thành sản xuất cao, có tính phân tán và không ổn định nên mới chỉ tạo được nguồn năng lượng nhỏ và chưa phải là giải pháp để cân bằng năng lượng. Các nguồn tài nguyên năng lượng của nước ta đa dạng nhưng không phải dồi dào.
Do đó, việc khai thác và sử dụng hiệu quả, bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng được coi là một trong những phương hướng quan trọng của chính sách năng lượng quốc gia trong thời gian tới. Mặc dù ở nước ta hiện nay, tình trạng thiếu năng lượng phục vụ cho sản xuất chưa phải đã ở mức cao và nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo dự báo thì nhu cầu điện sản xuất phục vụ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa sẽ thiếu. Nếu giả thiết tốc độ tăng trưởng GDP nước ta là 7,1-7,2% năm cho giai đoạn 2001- 2020 thì đến năm 2020 sẽ cần 201 tỷ KWh và đến 2030 sẽ là 327 tỷ KWh. Trong khi đó, khả năng huy động tối đa các nguồn năng lượng nội địa cũng chỉ đạt khoảng 165 tỷ KWh vào năm 2020 và 208 tỷ KWh vào năm 2030.
Như vậy, đến năm 2020 theo phương án giả thuyết này, nước ta sẽ thiếu tới 36 tỷ KWh và đến năm 2030 sẽ thiếu 119 tỷ KWh. Và xu hướng gia tăng sự thiếu hụt nguồn điện trong nước sẽ ngày càng gay gắt hơn và tiếp tục kéo dài trong những giai đoạn sau đó.
Chính vì vậy, việc đề cập khai thác điện hạt nhân trong Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình nói chung là một chiến lược định hướng có vai trò quan trọng và sẽ góp phần giải quyết nhu cầu, điều hòa, cân bằng nguồn năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước.
Theo phương án đó, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ được xây dựng và đi vào hoạt động bắt đầu từ năm 2020 với quy mô công suất từ 2.000 MW-4.000 MW, và sẽ chiếm từ 5-9% tổng công suất phát điện toàn quốc.
Tuy nhiên, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử không chỉ nhằm giải quyết nhu cầu thiếu năng lượng trong tương lai mà quan trọng hơn cả là ứng dụng bức xạ trong phát triển kinh tế xã hội, điều trị bệnh...
Ông Trần Quốc Thắng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, phát triển năng lượng nguyên tử trong đó ứng dụng bức xạ sẽ có đóng góp rất lớn cho quá trình tăng trưởng phát triển đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực y tế còn quá yếu kém về năng lượng bức xạ.
Thực tế hiện nay, y tế được coi là ngành có ứng dụng năng lượng bức xạ sớm nhất và cao nhất ở nước ta thì cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Trong lĩnh vực xạ trị, theo tiêu chuẩn 1 triệu dân phải có 1 máy nhưng cả nước ta mới chỉ có 20 máy. Cũng trong lĩnh vực chẩn đoán bằng kỹ thuật y học hạt nhân phải có trung bình 20 máy gamma camera trên 1 triệu dân nhưng trên cả nước mới chỉ có 20 máy, phần lớn là máy cũ và có 1 nửa không hoạt động...
Theo kế hoạch, đến năm 2010, nước ta sẽ hoàn thành phê duyệt báo cáo đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, đào tạo đủ chuyên gia về điện hạt nhân cho công đoạn tiền dự án; quy hoạch đội ngũ kỹ thuật viên, nguồn nhân lực... và năm 2015 sẽ chính thức triển khai xây dựng nhà máy. Khảo sát 200 địa điểm trên cả nước, đã có 3 địa điểm được lựa chọn xây dựng nhà máy ở Phú Yên và Ninh Thuận.
Mặc dù chưa lựa chọn công nghệ của nước nào nhưng theo ông Tấn, nước ta sẽ tranh thủ học hỏi kinh nghiệm từ các nước để lựa chọn công nghệ phù hợp theo phương châm hợp tác đa phương. Có thể, nhà máy điện hạt nhân ở nước ta sẽ được lắp công nghệ lò nước áp lực đang phổ biến trên thế giới.
Lộ trình đã có, các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đã rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Có nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng thành công nhà máy điện hạt nhân cần phải tạo được sự đồng thuận lớn từ phía các nhà quản lý, nhà khoa học và người dân.
Theo ông Tấn, không chỉ nước ta mà trên toàn thế giới, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì vốn đầu tư rất lớn, cộng với tâm lý lo ngại của công chúng về an toàn nhà máy điện hạt nhân, việc xử lý phóng xạ hoạt độ cao. Bên cạnh đó là sự đề phòng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và việc đảm bảo an ninh cho các cơ sở hạt nhân...
Mặt khác, thách thức hàng đầu đối với những nước lần đầu tiên xây dựng nhà máy điện hạt nhân như nước ta chính là nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm mà nhất là chuyên gia quản lý và kỹ thuật cao.
Cùng với việc tìm kiếm thu hút nguồn vốn xây dựng nhà máy, đào tạo nhân lực, nước ta sẽ phải có chính sách ưu đãi đầu tư cho ứng dụng và phát triển năng lượng nguyên tử, điện hạt nhân; cải tạo lại hệ thống hạ tầng cơ sở và đặc biệt là hệ thống pháp luật phục vụ phát triển điện hạt nhân còn sơ khai.
Hiện nay, công cụ pháp lý cao nhất nước ta mới chỉ có pháp lệnh An toàn - Kiểm soát bức xạ và có thể sang năm 2007, Luật Năng lượng sẽ được trình Quốc hội.