Tin tức

Cổ phần hoá và rào cản 51%

Thứ hai, 10/4/2006 | 00:00 GMT+7
Tính đến đầu năm 2006, cả nước đã cổ phần hóa 3.107 doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị phụ thuộc. Khoảng 30% trong số này có tỷ lệ vốn Nhà nước chiếm trên 50%. Và tỷ lệ này đang kìm hãm đà phát triển của nhiều doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa.

Không còn hấp dẫn vì tỷ lệ 51%

Đợt đấu giá cổ phần Công ty Nhiệt điện Phả Lại hồi tháng 11 năm ngoái chỉ bán được 85% số cổ phần đưa ra chào. Nhiều nhà đầu tư lý giải Nhiệt điện Phả Lại là một doanh nghiệp hấp dẫn, nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước đến 75% thì không hấp dẫn tý nào.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng vừa có văn bản đề nghị giảm bởt tỷ lệ cổ phần của Tổng công ty Điện lựcViệt Nam (EVN) tại Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh, Thủy điện Thác Bà, và Công ty Nhiệt điện Phả Lại (tỷ lệ vốn EVN trong các doanh nghiệp này lần lượt là 60%, 75%, 75%).

Với tỷ lệ này, cổ đông bên ngoài không có quyền hạn gì mặc dù họ bỏ ra lượng vốn đầu tư không nhỏ.

Thực tế hoạt động đấu giá cổ phần của các doanh nghiệp cho thấy, nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến kết quả kinh doanh hay tiềm năng phát triển của doanh nghiệp mà còn chú ý tới khả năng thay đổi phương thức quản trị. Họ tỏ ra không mấy mặn mà với các doanh nghiệp mà phần vốn nhà nước quá lớn.

Tại cuộc tọa đàm về chính sách phát triển (thị trường chứng khoán vào tháng 2/2006, ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cáp và Vật liệu viễn thông (Sacom), đề nghị cần mạnh dạn giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa.

Theo ông Trắc, mục tiêu của Nhà nước là bảo toàn và phát triển vốn chứ không phải là bảo toàn và phát triển cơ cấu vốn của Nhà nước. Đồng thời, việc giảm tỷ lệ này cũng giúp các doanh nghiệp có thể lựa chọn người điều hành phù hợp.

Một chuyên gia đang làm việc tại một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho biết, trên thế giới các doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu nhà nước 30-40% thì được coi là công ty nhà nước. Mô hình cổ phần hóa của Việt Nam hơi giống với Trung Quốc, tức Nhà nước nắm giữ cổ phần cao.

Tuy nhiên, hiện tại ở Trung Quốc, do có hàng ngàn công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán nên khi chính phủ muốn bán bớt vốn nhà nước thì thị trường chao đảo. Đó cũng là một kinh nghiệm để tham khảo.

“Nhà đầu tư và ngay bản thân doanh nghiệp đều không thích tỷ lệ này vì tiếng nói của nhà nước quá mạnh trong khi lại chưa chứng minh được năng lực điều hành tài sản đó”, ông này nói.

Qua khảo sát của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương, số doanh nghiệp mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối vẫn chưa thay đổi nhiều về chất. Tâm lý “chủ quản, chi phối” tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn tồn tại ở các bộ, UBND tỉnh và tổng công ty. Các lực cản này đang làm chậm tiến trình đổi mới doanh nghiệp.

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng các doanh nghiệp Ngoài quốc doanh (VPBank), cho rằng nếu còn tỷ lệ 51% thì sự đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước sẽ còn dè dặt.

Mở bao nhiêu?

Nhìn nhận một cách khác, nhiều chuyên gia về cải cách doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng con số 51% không “có tội”. Việc duy trì tỷ lệ lớn sở hữu Nhà nước không hoàn toàn sai, và là điều cần thiết trong một giai đoạn nào đó.

Nhưng nếu kéo dài thời gian này thì một số lớn tài sản Nhà nước sẽ vào tay một số quyền lực không rõ ràng. Bằng chứng là hiện nay nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ có vị trí đẹp nhất tại các thành phố lớn đã vào tay những người thân của quan chức Nhà nước.

Ông này cho rằng, nếu Nhà nước làm tốt vai trò chủ sở hữu thì không ai lên tiếng. Nhưng thực tế, có nhiều doanh nghiệp vẫn thích mua cổ phần của doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu Nhà nước 51% để nhờ danh nghĩa công ty nhà nước mà tạo quan hệ nào đó.

Ông Trần Bắc Hà, Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cũng cho rằng sở hữu Nhà nước thấp hơn 51% không có nghĩa Nhà nước mất quyền kiểm soát doanh nghiệp, bởi nếu vẫn nắm vai trò cổ đông chi phối thì vẫn kiểm soát được.

Tuy nhiên, ông Hà cho rằng, chúng ta cần một lộ trình rõ ràng hơn về vốn nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa. Với tỷ lệ 51%, khi hội nhập sẽ rất khó đưa công nghệ và kỹ năng quản lý điều hành hiện đại, đặc biệt là quản trị rủi ro, vào những doanh nghiệp này.

Trưởng ban Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) Nguyễn Thị Liên Hoa cũng thừa nhận tỷ lệ sở hữu Nhà nước cao không thể kéo dài mãi. Nhà đầu tư bao giờ cũng muốn nắm giữ nhiều hơn ở những doanh nghiệp hoạt động tốt, đó là nguyện vọng chính đáng.

Theo bà, Nhà nước trong thời gian tới sẽ có chính sách cụ thể bán bớt và bán hết vốn nhà nước ở một số doanh nghiệp, theo một lộ trình nhất định.

www.vneconomy.com.vn