- Người dân đều không muốn tăng giá điện, vậy khi lấy ý kiến Bộ Công nghiệp có tiên lượng sẽ có nhiều câu trả lời “không” với các phương án?
- Mỗi tầng lớp dân cư không phải ai cũng hiểu hết về giá điện, chúng tôi không loại trừ trường hợp các ý kiến sẽ phụ thuộc vào lợi ích riêng của từng nhóm dân cư, từng nhóm ngành nghề. Những ý kiến trên mang ý nghĩa tham khảo chứ không có tính chất quyết định trong việc chọn lựa phương án nào, bởi có người phân tích toàn diện sâu sắc, song cũng có những ý kiến phiến diện.
Tuy nhiên mọi thông tin phản hồi đều được trân trọng, ghi nhận và nghiên cứu. Những phân tích thấu đáo mặt được và chưa được của các phương án sẽ là một trong những cơ sở rất quý giá cho quyết định lựa chọn cuối cùng.
Ở đây có một vấn đề cần thống nhất, đó là chúng ta đang đứng trước thực tế thiếu điện nghiêm trọng. Người dân sẽ phải đứng trước lựa chọn hoặc tăng giá điện hoặc mất điện. Nếu không tăng giá sẽ không thể đủ nguồn lực để đầu tư phát triển nguồn điện. Với các phương án điều chỉnh tăng giá lần này, mức tăng không lớn lắm, do vậy không tác động nhiều đến sản xuất và đời sống của người dân. Đơn cử, việc bỏ ra thêm 8.000-10.000 đồng/tháng với việc bị cúp điện liên tục do thiếu điện, là người dân bạn sẽ chọn giải pháp nào?
- Những đóng góp chỉ mang tính tham khảo vậy việc tổ chức lấy ý kiến liệu có thừa?
- Đây là lần đầu tiên việc lấy ý kiến về tăng giá điện được thực hiện trên quy mô rộng. Việc tổ chức lấy ý kiến nhằm 2 mục đích, thứ nhất tổ công tác mong muốn tiếp nhận được đầy đủ hơn các thông tin khách quan từ mọi tầng lớp dân cư, cơ quan. Những ý kiến đó phần nào sẽ giúp cho tổ công tác hoàn thiện hơn những khiếm khuyết trong dự thảo phương án tăng giá trước khi trình Thủ tướng quyết định.
Giá điện tác động lên tất cả đời sống, sản xuất của mọi người dân cũng như tập thể, do vậy việc tập hợp được ý kiến trên tổng thể nhiều ngành, lĩnh vực, tầng lớp dân cư sẽ giúp cho người ký quyết định lựa chọn phương án tăng giá điện mà cụ thể là Thủ tướng có cơ sở để cân nhắc đưa ra phương án tốt nhất, hợp lý nhất, hài hoà giữa lợi ích quốc gia và người tiêu dùng.
Thứ hai, đây sẽ là kênh thông tin để cơ quan chức năng chuyển tải thông điệp về các vấn đề liên quan đến điện, đặc biệt là tình hình thiếu điện và công khai các phương án giải quyết đến người dân.
- Việc lấy ý kiến sẽ kéo dài tới 31/3, chủ yếu qua trang web của bộ, những người dân không có điều kiện tiếp xúc với Internet góp ý kiến ở đâu?
- Tổ công tác đứng trước “sức ép” về việc phải sớm trình các phương án lên Thủ tướng, trong khi hạn cho phép đã hết do vậy, việc lấy ý kiến sẽ chỉ được thực hiện đến hết tháng. Còn về phương thức lấy ý kiến, ngoài mạng Internet, lấy văn bản, chúng tôi sẽ tiến hành tổ chức hội nghị thuyết trình. Ngoài ra, sẽ tiến hành công bố phương án cụ thể trên các báo viết để đông đảo người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn dễ dàng tiếp cận và đóng góp ý kiến. Việc trưng cầu này là rất cần thiết, nên không thể chỉ mang tính hình thức.
- Có ý kiến cho rằng các nhà thầu sẽ lợi dụng tăng giá điện để tăng giá bán đến tay người dân cao hơn quy định, ông nghĩ sao?
- Theo tính toán, giá điện bán buôn đến công tơ tổng tại hợp tác xã kinh doanh điện, ban điện xã... nông thôn chỉ tăng 20 đồng/kWh, tức là chỉ tăng từ 390 đồng lên 410 đồng. Mức tăng không đáng kể, do vậy không có lý do để các đơn vị trên bán điện tới hộ dân vượt trần 700 đồng/kWh.
- Thực tế chưa tăng giá, người ta đã bán vượt trần, Bộ có đưa ra biện pháp nào để khắc phục tình trạng này?
- Quy định quản lý điện nông thôn rất chặt chẽ, để được thầu điện phải có tiêu chuẩn chứ không phải ai muốn làm cũng được. Đúng là có nơi người ta bán vượt giá trần, khi nhận được phản ánh Bộ đều có công văn yêu cầu UBND các tỉnh xử lý. Cách đây 2-3 năm, Bộ Công nghiệp còn tổ chức cả các đoàn kiểm tra để nắm thực tế. Gần đây, người dân đảo Phú Quốc phải mua điện giá cao, có phản ánh các cơ quan chức năng đã yêu cầu Tổng công ty điện lực VN phải thực hiện đúng. Quan trọng là dân phải phản ánh.