Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu đầu năm 2006 phải ban hành và thực hiện biểu giá bán lẻ điện mới. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan công khai quy trình xây dựng giá điện.
Trao đổi với VnExpress, một quan chức Bộ Công nghiệp cho biết đa số thành viên trong tổ công tác giá điện ủng hộ phương án 3 và 4 với lý do tác động của việc điều chỉnh giá san đều cho khách hàng và xóa bỏ được bất cập bù chéo giữa sinh hoạt, sản xuất lâu nay.
Ở phương án 1, giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn và giá bán điện sinh hoạt bậc thang đối với 100 kWh đầu tiên không tăng, sẽ tiếp tục bù chéo với đối tượng sản xuất và kinh doanh. Các hộ tiêu thụ khác sẽ phải chịu mức tăng 20%. Trong khi đó, giá điện cao thấp điểm không có gì thay đổi, không khuyến khích các doanh nghiệp bố trí lại lịch sản xuất kinh doanh.
Ở phương án 2, các chuyên gia cho rằng do tăng giá giờ cao điểm, nên bình quân giá điện cho sản xuất sẽ tăng 4%. Đây là mức tăng thấp và không tác động nhiều đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn chỉ tăng 20 đồng/kWh, giá điện sinh hoạt bậc thang của 50 kWh đầu tăng 50 đồng cũng hạn chế được ảnh hưởng đến những hộ gia đình có mức sống thấp. Khó khăn lớn nhất khi thực hiện phương án này là việc tách đôi bậc thang 100 kWh đầu đối với điện sinh hoạt. "Ngành điện đã nhiều lần đề xuất nhưng gặp sự phản đối mạnh của dư luận", quan chức trên cho hay. Tuy tiếp tục đưa ra trong lần điều chỉnh này song tổ công tác nhận định sẽ rất khó khăn trong việc thuyết phục dư luận và các cơ quan chức năng.
Phương án 3 được nhiều ý kiến ủng hộ nhất. Do tăng giá giờ cao điểm nên bình quân giá điện cho sản xuất sẽ tăng 4%, giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn tăng 20 đồng/kWh. Giá điện sinh hoạt bậc thang đối với 100 kWh đầu tăng 80 đồng/kWh, các hộ gia đình sử dụng dưới 100 kWh sẽ tăng chi phí tiền điện tối đa 8.000 đồng/tháng. Các bậc thang trên 100 kWh tiếp theo có mức tăng từ 16%-22%, thấp hơn so với mức tăng 35% của phương án 1.
Phương án 4 xóa bỏ được bất bình đẳng về giá điện giữa thành thị và nông thôn. Hiện nay hộ dân nông thôn (hầu hết có mức sử dụng dưới 100 kWh/tháng) đang phải mua điện sinh hoạt theo cơ chế giá trần 700 đồng/kWh trong khi các hộ ở thành thị có mức sử dụng tương đương lại được mua điện với giá chỉ 550 đồng/kWh.
Phương án này cũng khuyến khích doanh nghiệp sắp xếp lại lịch sản xuất kinh doanh khi tăng giá giờ cao điểm song giá điện sinh hoạt đối với bậc thang 100 kWh đầu tăng tới 27% so với hiện hành - đây là mức tăng lớn đối với các hộ gia đình có mức sống thấp.
Ngoài các phương án tăng giá điện chưa thống nhất, hiện lộ trình điều chỉnh giá trong các năm 2006-2010 cũng có 2 luồng ý kiến. Theo quan điểm của Tổng công ty điện lực VN (EVN) từ năm 2007 giá điện sẽ điều chỉnh tự động theo biến động của các yếu tố đầu vào. Tuy nhiên tổ công tác liên ngành cho rằng như vậy sẽ ảnh hưởng mạnh tới tình hình kinh tế xã hội do đó đến 2008 sẽ điều chỉnh giá điện bình quân lên tiếp 890 đồng/kWh và đến 2010 mới để giá điện điều chỉnh theo kiến nghị của EVN.
Trong bảng phân tính biểu giá điện hiện hành các chuyên gia cũng nêu ra những bất cập đang tồn tại. Số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế IEA cho thấy giá điện cho sản xuất của VN đang cao hơn hầu hết các nền kinh tế là đối tượng cạnh tranh trực tiếp với VN trong việc xuất khẩu hàng hoá. Cụ thể:
Nền kinh tế |
USD/kWh |
Malaysia |
0,056 |
Indonesia |
0,056 |
Thái Lan |
0,053 |
VN |
0,062 |
Đài Loan |
0,053 |
Giá điện sinh hoạt đang được duy trì ở mức thấp, trong khi mức độ tiêu thụ có tốc độ tăng trưởng gần 20% mỗi năm. Điều này đang là gánh nặng lớn cho điện sản xuất kinh doanh. Các chuyên gia cũng đề nghị tăng độ chênh lệch giữa giá điện cao thấp điểm để khuyến khích doanh nghiệp tăng cường bố trí lại lịch sản xuất kinh doanh.