Tổ công tác liên ngành xây dựng phương án giá điện 2006 - 2010 (do Bộ Công nghiệp chủ trì) vừa họp tổng kết đợt trưng cầu ý kiến về các phương án tăng giá điện. Tính đến hết ngày 31/3, số ý kiến tham gia ủng hộ phương án 1 chiếm 31,87%, phương án 2: 4,76%, phương án 3: 36,77%, phương án 4: 26,59%.
Một thành viên của Tổ công tác cho biết, sau khi tham khảo, bàn bạc, các thành viên gần như chắc chắn sẽ chọn phương án 3 để trình lên Chính phủ xem xét, quyết định. Trước khi trình lên Chính phủ, Tổ công tác sẽ bổ sung, sửa đổi thêm theo hướng: giữ nguyên giá điện sản xuất; có lộ trình xóa bỏ đối tượng tiêu thụ đặc biệt; tăng mạnh vào đối tượng sử dụng hành chính - sự nghiệp; hộ sử dụng điện sinh hoạt từ 400 kWh/tháng trở lên sẽ chịu mức tăng cao.
Với lộ trình điều chỉnh giá điện bình quân năm 2006 là 852 đồng/kWh (tăng 8,8%), Tổ công tác liên ngành đã đề nghị xây dựng biểu giá theo 4 phương án. Phương án 3 có mục tiêu giảm bù chéo giá điện cho sản xuất và giá điện cho sinh hoạt, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo hạn chế được cơ bản tác động của việc tăng giá tới đối tượng sản xuất, những hộ gia đình có mức sống thấp và các tổ chức điện nông thôn.
Cơ cấu biểu giá của phương án này là không tăng giá điện sản xuất giờ bình thường và thấp điểm; tăng 20% giá bán điện giờ cao điểm của tất cả các các đối tượng; tăng giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn từ 390 lên 410 đồng/kWh; tăng giá 100 kWh đầu tiên điện sinh hoạt bậc thang từ 550 lên 630 đồng/kWh; giá bán điện sinh hoạt bậc thang trên 100 kWh tăng từ 16 - 22%; giá bán điện cho cơ quan hành chính sự nghiệp và kinh doanh dịch vụ tăng bình quân 11 - 12%; tiếp tục áp dụng cơ chế giá trần điện sinh hoạt nông thôn 700 đồng/kWh.
Nhìn tổng quan, do tăng giá giờ cao điểm nên bình quân giá điện cho sản xuất sẽ tăng 4%; giá điện sinh hoạt bậc thang sẽ tăng bình quân 17%.
Đi sâu vào phân tích tác động cho thấy, giá điện đối với bậc thang 100 kWh đầu tăng 80 đồng/kWh, tương đương 15% so với hiện hành. Vì vậy các hộ gia đình có mức sống thấp (sử dụng dưới 100 kWh), mức tác động sẽ không quá lớn (mỗi hộ sẽ tăng chi phí tiền điện tối đa 8.000 đồng/tháng.
Các bậc thang trên 100 kWh tiếp theo có mức tăng từ 16 - 22%; giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn tăng 20 đồng/kWh sẽ có ảnh hưởng nhất định đến khả năng cân đối tài chính của các tổ chức quản lý điện nông thôn. Tuy nhiên, đây là mức tăng không lớn và nằm trong khả năng phấn đấu giảm chi phí, giảm tổn thất của các tổ chức này. Khách hàng sử dụng điện sinh hoạt ở nông thôn đang mua điện theo cơ chế giá trần 700 đồng/kWh sẽ không bị tác động.
Tuy nhiên, phương án nào hạn chế được nhiều hơn tác động đối với sản xuất và đời sống của những đối tượng có thu nhập thấp thì sẽ được đa số người dân chấp nhận.