Bộ Công nghiệp cho biết việc sửa đổi phương án 3 về tăng giá điện vẫn chưa hoàn thành bởi trong tổ liên ngành còn nhiều ý kiến trái ngược. Trong bối cảnh cơn lốc tăng giá và những tác động tiêu cực tới các lĩnh vực của nền kinh tế đang dần hiện hữu, khả năng tăng giá điện trong năm nay có thể phải bàn lại.
Sau khi lấy ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện từ ngày 15/3 đến 31/3, Bộ Công nghiệp thông báo có 2.877 người tham gia góp ý, phương án 3 được ủng hộ nhiều nhất với 1.058 người đồng ý. Trên cơ sở này, tổ công tác liên ngành về giá điện đã quyết định chọn phương án 3, có sửa đổi để hoàn thiện đề án tăng giá điện.
Hơn một tháng sau khi quyết định chọn phương án 3 có sửa đổi, tổ liên ngành về giá điện chưa có bất cứ cuộc họp nào bàn thảo lại vấn đề này. Theo một nguồn tin, trước biến động giá cả trong nước và thế giới đang diễn biến phức tạp, có khả năng giá điện mới sẽ được lùi thời điểm xem xét ban hành vào năm sau.
Việc chọn phương án 3 và đưa ra thêm một số sửa đổi theo nhận xét của ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng kinh tế xã hội Viện Kinh tế xã hội Hà Nội, sẽ là gánh nặng lớn đối với ngân sách của các gia đình. Theo phương án này, sẽ không tăng giá điện sản xuất giờ bình thường và thấp điểm, dồn tăng giá sang điện sinh hoạt, đặc biệt là giờ cao điểm. Trong khi đó, do chưa lắp đại trà công tơ 3 giá nên ngành điện không thể bóc tách được các loại giá, cách tính gộp vô hình trung gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Tại một hội thảo của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức cuối tuần qua, chuyện xây dựng đề án tăng giá điện được đưa ra mổ xẻ nhằm làm rõ vai trò của Nhà nước trong điều tiết giá cả. Nhiều chuyên gia kinh tế đặt dấu hỏi lớn về vai trò quản lý nhà nước trong việc thẩm định tính khoa học của các phương án tăng giá điện, cũng như cách lấy ý kiến người dân xung quanh việc tăng giá điện vừa qua. Ông Ngô Văn Điểm, chuyên gia cao cấp về kinh tế cho rằng phương án tăng giá lần này được thông qua tổ công tác liên ngành trên cơ sở những tính toán của Tổng công ty điện lực VN, trong khi số liệu được đưa ra xem xét lại chưa được kiểm toán, tác động của đề nghị này tới nền kinh tế cũng chỉ được tính trên quan điểm của Bộ chủ quản và ngành điện.
Theo ông Nguyễn Minh Phong, nếu xét một cách khách quan, không thể có chuyện người dân tự bỏ phiếu cho phương án tăng giá đánh mạnh vào túi tiền của mình. Trong trường hợp sửa đổi phương án trên, Bộ Công nghiệp phải đảm bảo công khai, minh bạch hoá thông tin, xem xét các ý kiến của EVN và người tiêu dùng ngang nhau.
www.vnexpress.net